Chính phủ số là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, dựa trên nền tảng dữ liệu mở, các thành phần kinh tế sẽ tiếp cận, sử dụng và tận dụng lợi ích từ cơ sở dữ liệu của Chính phủ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội.
Sáng ngày 16/1, Hội thảo khởi động “Đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số” đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội.
Chính phủ số - xu hướng toàn cầu
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo”, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là sự hài lòng của Chính phủ, theo đó Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp... Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều đó đã được minh chứng bởi kết quả kinh tế xã hội vừa đạt được trong năm qua.
Văn phòng Chính phủ đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính và ứng dụng CNTT trong việc điều hành, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân. Do đó, năm 2018, Văn phòng Chính phủ, thứ nhất sẽ tiến hành tập trung cho triển khai ứng dung CNTT tại các bộ ngành và địa phương. Toàn bộ các vấn đề gửi nhận văn bản trên phần mềm ứng dụng nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, tạo công khai, minh bạch nâng cao chất lượng.
Thứ hai, xây dựng phần mềm giải quyết đơn thư tố cáo. Thứ ba, tập trung xây dựng sớm nhất trung tâm dịch vụ công quốc gia mức độ 3, mức độ 4.
Thứ tư, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu. Thứ năm, trình Thủ tướng Chính phủ quyết liệt xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia mà trọng tâm là cơ sở dữ liệu đơn thư.
Để làm được điều đó, trước hết sẽ phải hoàn thiện thể chế, sửa đổi Nghị quyết 80/NQ-CP nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. “Nhiều quốc gia với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã xây dựng thành công Chính phủ điện tử và chuyển sang giai đoạn tiếp theo đó là Chính phủ số. Đây là giai đoạn kế thừa những thành quả từ giai đoạn Chính phủ điện tử với nguyên tắc hoạt động là dịch vụ số tạo nền tảng cho các dịch vụ điện tử”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đồng thời khẳng định, để làm được điều này, Chính phủ các nước đang tận dung nguồn lực, chuyển đổi thànhh dữ liệu điện tử, sử dụng các dữ liệu nhất quán trong toàn bộ Chính phủ, nâng cấp hạ tầng, tăng cường sử dụng công nghệ điện toán đám mây một cách nhất quán....
Với mục tiêu hoàn thành xu hướng xây dựng Chính phủ Số này, Văn phòng Chính phủ kết hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện chương trình “Đánh giá mức độ sẵn sàng về Dữ liệu Mở và Chính phủ Số tại Việt Nam”. Theo đó, tập trung vào 8 lĩnh vực là lãnh đạo, chính sách, khung pháp lý, dữ liệu cho Chính phủ, nhu cầu và sự tham gia của người dân, hệ sinh thái mở về tài chính- hạ tầng- nhân lực... Xây dựng Chính phủ Số giai đoạn 2018-2010, tầm nhìn 2035.
Cách mạng dữ liệu là động lực của kinh tế số
Khẳng định cuộc cách mạng tiếp theo của thế giới sẽ là cách mạng dữ liệu, bà Alla Morrison- Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, thế giới số đang và sẽ phát triển mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các quốc gia.
“Bởi khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng tăng khiến người nghèo bị bỏ ngày càng xa, do đó Chính phủ có trách nhiệm xây dựng nền kinh tế số mới công bằng, đảm bảo tạo điều kiện phát triển cho mọi thành phần, phát triển mà đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thuận lợi nhất”, bà Alla Morrison chỉ rõ.
Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của WB cũng khẳng định, Chính phủ các nước đang nỗ lực để vượt qua các thách thức này. “Đảm bảo người dân không phải đến các cơ quan của Chính phủ nhiều giờ đồng hồ, thậm chí mất phí bôi trơn để làm các giấy tờ xe, giấy tờ cá nhân hay xác nhận một tài liệu...”, bà Alla Morrison nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải đảm bảo sự tiếp cận internet 1 cách công bằng... đó là nền tảng của Chính phủ số.
Bà Alla Morrison cho biết thêm, tiến bộ số đóng vai trò quan trọng trong thời đại CM 4.0: “Cách mạng trong thời đại tiếp theo sẽ là dữ liệu, lưu trữ dữ liệu theo cách mới thông qua internet, viễn thám vệ tinh, tốc độ truyền tải ngày càng cao... Đây là động lực thúc đẩy ngành kinh tế số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Alla Morrison nhấn mạnh.
Bởi theo Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của WB: “dữ liệu là tài sản kinh tế mới được so sánh như dầu mỏ, được “tinh luyện” để taọ ra nhiều sản phẩm, đặc biệt hơn dầu mỏ, dữ liệu là loại tài nguyên có thể tái sử dụng tạo ra giá trị mới. Thông qua việc mở hệ thống dữ liệu, Chính sẽ giúp người dân nhận được giá trị từ loại tài nguyên này”
Đại diện Ngân hàng thế giới cũng khẳng định, xây dựng Dữ liệu Mở và Chính phủ Số sẽ tạo ra gía trị mới về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các Chính phủ minh bạch và hiệu quả hơn do dòng thông tin được chạy xuyên suốt trong các cơ quan nhà nước và giữa Chính phủ các nước. Đây cũng là những giải pháp nhằm hiện thực hoá 17 mục tiêu về phát triển bền vững.