Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, theo đó dự kiến đào tạo khoảng 50.000 nhân lực, chuyên gia vào năm 2030.
>>> Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi đón đầu xu thế ngành bán dẫn
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang được nhận định có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, góp phần giúp Việt Nam tạo đột phá và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững. Một trong những chìa khóa để Việt Nam khai mở cơ hội vàng này chính là xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030. Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam là rất lớn nhất là giai đoạn 2022 – 2027.
>>> “Cú hích” cho ngành bán dẫn Đà Nẵng
Thực tế Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất của nhiều ông lớn ngành công nghiệp bán dẫn thế giới như Intel, LG, Samsung,… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tích cực tham gia vào lĩnh vực này như Viettel, FPT.
Tuy nhiên, theo đánh giá Việt Nam đang có một số thách thức để khai mở tiềm năng, cơ hội đối với công nghiệp bán dẫn, trong đó thách thức lớn nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, các cơ sở đại học của Việt Nam đào tạo chuyên ngành này còn khá ít khi một năm số lượng sinh viên ra trường khoảng 500 - 600 sinh viên.
Đánh giá về năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chúng ta cần nhìn nhận chuyên ngành vi mạch bán dẫn chỉ là một chuyên ngành trong một ngành rộng là kỹ thuật điện tử viễn thông. Và ngành điện tử viễn thông ở nước ta hiện nay có quy mô đào tạo tổng thể khoảng 45.000 sinh viên, như vậy, mỗi năm có khoảng 10.000 sinh viên tốt nghiệp.
>>> Đài Loan đi "nước cờ" mới nhằm thống trị ngành bán dẫn
“Bên cạnh đó có các ngành gần như: kỹ thuật điện, tự động hóa, kỹ thuật máy tính, những ngành này với quy mô khoảng 70.000 sinh viên, mỗi năm có khoảng 15.000 sinh viên. Có thể thấy tiềm năng đào tạo nhanh chóng, tăng nhanh số lượng nhân lực trong ngành vi mạch bán dẫn này bằng cách tập trung vào các ngành phù hợp để sinh viên chọn chuyên ngành này cũng như đối với sinh viên ngành gần có thể chuyển sang. Như vậy, khả năng 1 - 2 năm tới có thể tăng lên khoảng 3.000 - 4.000 sinh viên tốt nghiệp, ngoài ra đối với các kỹ sư ngành này đã ra trường mà quay trở lại học cao học, nếu cố gắng nỗ lực cũng có thể đạt 4.000 - 5.000 người/năm”, ông Sơn đánh giá.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng: “Thực tế, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực điện tử viễn thông từ các cơ sở đào tạo trên cả nước đều làm việc tại các công ty liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn. Vấn đề tiếp cận của các trường đại học khi muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành vi mạch bán dẫn là hoàn toàn có thể triển khai và thực hiện được”.
Thị trường lao động trong lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam đã có thâm niên gần 20 năm, lực lượng kỹ sư nước ta được đánh giá lành nghề, cần cù, chịu khó. Hiện tại họ đang đóng góp một phần quan trọng trong các tổ chức thiết kế vi mạch của nước ngoài tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Bảo Anh, Trưởng Đại diện Công ty Synopsys tại Đà Nẵng nhận định, kỹ sư Việt Nam có nhiều lợi thế, quan trọng nhất là việc chúng ta giỏi Toán, Lý với tính logic cao thêm vào đó là đức tính chăm chỉ, cần cù.
“Trong khi các quốc gia khác đang gặp vấn đề về thu hút người trẻ theo ngành này thì Việt Nam lại có lợi thế rất lớn khi nhiều người trẻ nước ta yêu thích và đam mê kỹ thuật”, ông Nguyễn Bảo Anh nhận định.
>>> Để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất chất bán dẫn
Theo Nghị quyết 124/NQ-CP 2023 Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Theo đó, dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn đòi hỏi sự hợp tác của 3 đối tác hết sức quan trọng.
Đầu tiên, Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, học viện đào tạo số lượng sinh viên đủ cho ngành.
Thứ hai, các học viện và trường đại học phải có kế hoạch dài hơi, cụ thể là mở thêm các khoa, phòng đào tạo. Đồng thời thuê hoặc hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên giảng dạy về công nghiệp bán dẫn.
Thứ ba, điều hết sức quan trọng đến từ doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn.
Còn theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, trong bối cảnh mới, từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo: chương trình đào tạo luôn thay đổi nhưng điều quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
“Khi chúng ta mở rộng số lượng không chỉ ở một số trường truyền thống mà nhiều trường cùng tham gia thì việc phát triển đội ngũ giảng viên cũng như tăng cường cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hay công cụ học tập, mô phỏng là rất quan trọng. Trên thực tế, đối với một số cơ sở đại học truyền thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chuyên sâu về thiết kế vi mạch cần phải được trang bị và tăng cường, còn với cơ sở mới đào tạo thì cần phải tăng cường nhiều hơn nữa, đặc biệt là đội ngũ giảng viên”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ này sẽ chỉ đạo các trường đổi mới chương trình đào tạo và hỗ trợ trong việc tăng cường đội ngũ giảng viên thông qua những đề án cụ thể. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ cùng các trường đề xuất với Chính phủ để ban hành các chính sách về tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, chính sách hỗ trợ người học cũng như chính sách hỗ trợ kết nối với các trường đại học với nhau và với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư trong lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
02:00, 22/10/2023
01:32, 22/10/2023
03:30, 21/10/2023
07:10, 27/10/2023