Trong thực thi chính sách phát triển vùng nhiều sáng kiến liên kết vùng và liên vùng phần lớn mới chỉ dừng lại ở các biên bản thuận hợp tác.
Trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sự phân cấp giữa trung ương và địa phương đã xuất hiện tình trạng "cát cứ", "mạnh ai nấy làm" của các địa phương - nguyên nhân chính cản trở quá trình liên kết phát triển vùng và liên vùng ở Việt Nam. Sự thiếu liên kết, thậm chí cạnh tranh, giữa các vùng được thể hiện rõ trên lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng khi có quá nhiều dự án xây dựng sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế,... tạo ra sự dư thừa, lãng phí nguồn lực và không tạo được lợi thế quy mô vùng và quốc gia.
Văn kiện đại hội lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: "Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng... Sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp".
Tuy vậy trong thực thi chính sách phát triển vùng nhiều sáng kiến liên kết vùng và liên vùng phần lớn mới chỉ dừng lại ở các biên bản thuận hợp tác. Một số thể chế vùng được lập ra từng phát huy tác dụng song hiện nay đã không còn phù hợp, dẫn tới trùng lắp chức năng, nhiệm vụ với các bộ, ban, ngành và đã phải chấm dứt hoạt động (ví dụ các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ).
Trong dài hạn, cùng với việc kết nối các quy hoạch phát triển vùng, cần chú ý vận dụng các hình thức quản trị phù hợp để tạo thuận lợi và thúc đẩy liên kết kinh tế vùng.
Thứ nhất, hình thành mô hình Hội đồng phát triển vùng. Thay cho cơ chế ban chỉ đạo mang nặng yếu tố hành chính, Hội đồng phát triển vùng cần là một cơ chế quản trị linh hoạt, gồm đại diện của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương (với số lượng đại diện cho số dân), một số ngành công nghiệp (doanh nghiệp) và cộng đồng. Hội đồng sẽ thảo luận và quyết định những vấn đề hợp tác - phát triển liên vùng (ví dụ kết nối các kế hoạch quy hoạch phát triển vùng, các dự án phát triển vùng, phân bổ nguồn lực chung, chuẩn mực chung trong việc cung cấp dịch vụ công...); xử lý những tranh chấp nảy sinh giữa các địa phương trong quá trình phát triển. Những vấn đề quan trọng thậm chí có thể được quyết định thông qua bỏ phiếu. Những quyết định này mang tính ràng buộc đối với các địa phương trong vùng.
Ngoài ra Hội đồng có quyền tham gia thảo luận các dự án phát triển xuyên biên giới cùng với đại diện các nước láng giềng Lào, Campuchia, Thái Lan (chính phủ trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các bên liên quan khác).
Thứ hai, thiết lập cơ chế quản trị việc huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Hội đồng phát triển vùng là một trong những cơ chế đảm bảo việc huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển vùng và liên vùng nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương trong điều kiện các nguồn lực hạn chế. Đặc biệt đây cũng là cơ chế giúp giảm thiểu tranh chấp trong các dự án đầu tư giữa các địa phương, giảm sự trùng lặp của các dự án và sự cạnh tranh giữa các địa phương theo hướng “đua xuống đáy”.
Hội đồng có thể quyết định triển khai các dự án phát triển thông qua những hình thức huy động, phân bổ nguồn lực khác nhau, như thông qua các hình thức đối tác công tư (PPP), phối hợp giữa các tổ chức cộng đồng, phi lợi nhuận; thông qua cơ chế thị trường;thông qua các biện pháp hành chính thực hiện bởi bộ máy nhà nước.
Các nhóm dự án để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng cần tập trung vào việc kết nối mạng lưới giao thông đường bộ (nội vùng và liên vùng), từ đó hình thành các hành lang kinh tế - đô thị; xây dựng kết nối các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ tổng hợp theo chuỗi giá trị và theo tuyến hành lang kinh tế; kết nối hệ thống năng lượng; kết nối nguồn nhân lực (thông qua các chính sách di dân hợp lý, các hệ thống trường dạy nghề, đầu tư một số thành phố lớn, có điều kiện thuận lợi trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ...); kết nối dịch vụ hành chính công, thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ, hướng tới chuẩn mực chung và ứng dụng chính phủ điện tử.
Thứ ba, phát huy vai trò của thị trường, cụ thể là các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc xây dựng các chuỗi giá trị trong những lĩnh vực mà các vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế có thể bổ sung lẫn nhau. Cần nghiên cứu, phát huy mô hình công ty phát triển để hình thành các cụ liên kết ngành và khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo các tuyến hành lang kinh tế.
Cần chú ý các tuyến hành lang kinh tế hướng biển; có quy hoạch hợp lý và dài hạn cho các tuyến phát triển này để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, nhất là từ những tập đoàn tư nhân lớn ở trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng quản trị liên kết vùng (Bài 2)
11:00, 01/05/2021
Xu hướng quản trị liên kết vùng (Bài 1)
04:00, 30/04/2021
Sẽ có Đề án về liên kết Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
05:00, 24/04/2021
Đầu tư phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Giá trị cộng hưởng từ liên kết vùng
14:30, 20/04/2021
Điện Biên rộng cửa liên kết vùng
15:59, 07/04/2021