Hiện nay, tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng công khai trên mạng xã hội, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.
>>>Nam Định: Đẩy mạnh số hóa sản phẩm OCOP
Tràn lan trên các mạng xã hội
Thời gian qua, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các website, đặc biệt trên các mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo...) đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh và quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, bám sát chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.
Liên tiếp trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, kiểm tra 7 vụ việc kinh doanh trên nền tảng TMĐT; xử lý 6 vụ việc vi phạm với số tiền gần 100 triệu đồng với nhiều hành vi như: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. Hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử, thời trang...
Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Nam Định) đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), tổ chức kiểm tra kho hàng tại thôn Vị Việt, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) phát hiện nhiều sản phẩm quần áo may sẵn (của cả người lớn và trẻ em) vi phạm nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ được kinh doanh online (tại địa chỉ: https://www.facebook.com/sonnhung.tongkho).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong kho có chứa 75 chiếc áo phông và 670 chiếc quần trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ; 665 chiếc quần đùi người lớn mang nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài (hiệu Chanel và Adidas) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt có dấu hiệu giả mạo 2 nhãn hiệu lớn đang được bảo hộ tại Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm này được doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội facebook. Chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, đội QLTT số 3 đã tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin 2 website bán hàng là: https://josivn.com/ do ông Nguyễn Hồng Quân, địa chỉ: Số 10, đường 21B, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) và website https://sunhousenamdinh.com của bà Triệu Thị Trang, xã Nam Mỹ (Nam Trực) đang kinh doanh hàng gia dụng trực tuyến.
Tại thời điểm kiểm tra 2 website của ông Quân và bà Trang thừa nhận sử dụng có tên miền để kinh doanh đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh; website có “giỏ” hàng, có chức năng bán hàng trực tuyến nhưng không có biểu tượng "đã thông báo Bộ Công Thương". Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng đối với 2 cơ sở kinh doanh trên về hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT về hành vi không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng.
Kiên quyết xử lý
Xác định chống hàng giả và gian lận thương mại trên thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng, Cục QLTT các địa phương chỉ đạo các Đội QLTT theo dõi sát sao, tiến hành truy vết, tổ chức kiểm tra, đấu tranh tới cùng với các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng điện tử để quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như: trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định...
Đại diện Cục QLTT tỉnh Nam Định cho biết: Bên cạnh bán hàng giả mạo nhãn hiệu, không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước thì trên địa bàn tỉnh tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hàng hóa tiêu dùng vẫn diễn ra phổ biến trên môi trường mạng.
Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng để quảng cáo sản phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, từ đó “thần dược hóa” thực phẩm chức năng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hơn thế nữa khó khăn hiện nay trong xử lý vi phạm trên nền tảng TMĐT là việc thu thập thông tin, quản lý địa bàn, rà soát, lập danh sách và kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng này còn hạn chế và chưa phản ánh đúng thực tế do các website dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn.
Việc xác định đối tượng sở hữu website để kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn do liên quan đến yếu tố nước ngoài, không được cấp và quản lý bởi các tổ chức đăng ký tên miền tại Việt Nam. Thêm vào đó người bán thường lợi dụng nền tảng mạng xã hội để chạy quảng cáo và livestream bán hàng nhưng không có địa chỉ cụ thể, cố tình không nghe điện thoại để lẩn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng và nhanh chóng xóa dấu vết vi phạm.
Chống hàng giả và gian lận thương mại trên nền tảng TMĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT trong giai đoạn hiện nay. Cục QLTT tỉnh Nam Định đang tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT theo dõi sát sao, tiến hành truy vết, tổ chức kiểm tra, đấu tranh tới cùng với các cá nhân, tổ chức lợi dụng nền tảng điện tử để quảng bá các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện công tác thẩm tra, xác minh thông tin hoặc giám sát các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT.
Bên cạnh đó Cục QLTT tỉnh Nam Định cũng đề nghị Tổng cục QLTT hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng và nâng cao kỹ năng điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin vi phạm cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa tổ TMĐT của Tổng cục với địa phương.
Có thể bạn quan tâm