Kinh tế

Xuất khẩu gạo cuối năm 2024: Nhiều yếu tố khó lường!

HẰNG THY 05/08/2024 04:00

Mặc dù thị trường xuất khẩu gạo cuối năm 2024 vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn được dự báo sẽ khởi sắc.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 290.035 tấn gạo, giá trị 177 triệu USD, tăng 15% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, dự tính 7 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo có thể đạt 5,26 triệu tấn, với kim ngạch 3,34 tỷ USD.

Trước những con số tích cực, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, “chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm đa dạng hóa các loại hình gạo xuất khẩu và mở rộng các thị trường tiêu thụ mới. Kết quả là Việt Nam đã khẳng định vị thế là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới”.

Với những kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp và chuyên gia đều kỳ vọng xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm 2024, vượt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2024 và thu về hơn 5 tỷ USD.

xuatkhaugao.jpg
Dự báo xuất khẩu gạo cuối năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc

Phân tích thêm về dự báo xuất khẩu gạo cuối năm 2024, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường lớn như: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.

Còn theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành nông nghiệp (sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả, cà phê); đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Mặc dù xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm là một bức tranh có gam màu sáng, song các chuyên gia dự báo, song các chuyên gia dự báo, cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện nhiều thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng. Do đó, tất cả các động thái, quyết định liên quan đến xuất khẩu gạo của nước này đều có tác động đến tất cả các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, là những nước nước xuất khẩu gạo lớn.

Thứ nhất là ảnh hưởng nhu cầu sản lượng nhập gạo của các đối tác của Việt Nam. Khi các đối tác có thêm lựa chọn từ nhà cung cấp Ấn Độ, gạo của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh, có thể sản lượng sẽ ít đi.

Thứ hai là tác động đến giá gạo. Nhưng theo dõi tình hình hiện nay, nhu cầu gạo của thế giới vẫn cao và sản lượng không phải là quá dư thừa nên nếu Ấn Độ có gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng thì cũng ít có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Theo khuyến cáo của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cho mọi khả năng, tình huống.

Yếu tố quan trọng ở đây vẫn làm sao đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Cùng với đó, phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Vì này sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến một doanh nghiệp mà có thể nói là rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta.

Được biết, để chuẩn bị cho những biến động của thị trường năm 2024, hiện Bộ Công thương đã xây dựng những giải pháp mang tính chiến lược, hữu dụng và phù hợp với từng kịch bản có thể xảy ra. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu gạo cuối năm 2024: Nhiều yếu tố khó lường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO