Xuất khẩu gạo và hệ quả của quota

Anh Duy 13/04/2020 05:00

Vậy là chưa thể “trọn một ngày vui” với tin tiếp tục được xuất khẩu gạo thì các doanh nghiệp lại đang "kêu trời" vì chưa kịp đăng ký đã hết phần, câu chuyện hạn ngạch còn nhiều hệ luỵ hơn thế.

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, tổng lượng gạo cần phải giao ngay từ nay đến hết tháng 5/2020 ít nhất là 1,385 triệu tấn, trong khi đó, tổng lượng có thể xuất khẩu tháng 4 đã “hết hạn ngạch” chỉ còn khoảng 400.000 tấn trong tháng 5, bởi theo chỉ đạo xuất khẩu 2 tháng không quá 800.000 tấn.

tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo.

Hiện tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng đến hết tháng 5/2020 của các doanh nghiệp là gần 1,67 triệu tấn gạo, trong khi hạn ngạch của tháng 4 và 5 không quá 800.000 tấn.

Cụ thể, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hiện có 92 hội viên chiếm khoảng 75% xuất khẩu của cả nước. Theo báo cáo của VFA, đến ngày 27/3/2020, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến 31/5 là gần 1,4 triệu tấn. Tính cả doanh nghiệp ngoài hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Vậy vấn đề đặt ra là “ai được xuất, ai không được xuất?”. 

Trên thực tế, sau hơn nửa tháng dừng xuất khẩu, phương án cho xuất khẩu trở lại đã khiến doanh nghiệp “mừng rơi nước mắt”. Tuy nhiên, đi kèm là điều kiện xuất khẩu có hạn ngạch (quota) ai đăng ký trước được xuất trước, ai đăng ký sau xuất sau. Giới chuyên gia nhận định, hình thức này là không phù hợp bởi không có căn cứ nào để giải quyết như vậy khi ngành gạo đã duy trì cơ chế mở.

Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ trong nước năm 2020 là 29,96 triệu tấn thóc.  Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.

Nhìn ngay như câu chuyện quota xuất khẩu tháng 4 để thấy, rõ ràng hàng trăm doanh nghiệp đang phải “kêu trời” vì đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo đã hết sạch chỉ trong vài tiếng đồng hồ mở tờ khai đăng ký của Tổng cục Hải quan. 

“Hiện nay doanh nghiệp đang rất bối rối không biết phải xử lý số hàng còn lại như thế nào, để lại cảng chờ xuất theo hạn ngạch của tháng sau thì được rồi nhưng biết tháng sau có xuất được không? Còn chuyển hàng về kho thì cũng rất tốn kém và còn biết bao chi phí khác, quả thật doanh nghiệp đang lâm vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long) chia sẻ.

Thậm chí, chuyên gia còn cho rằng, quota xuất khẩu mà lại là quota theo tháng là đẩy rủi ro cho doanh nghiệp. Làm sao doanh nghiệp dám ký hợp đồng với đối tác khi chưa nắm được có đăng ký được lượng xuất khẩu trong tháng không? Nếu ký hợp đồng trước mà không đăng ký được quota xuất đúng hạn thì phải chịu phạt với đối tác. Còn nếu đăng ký được quota mà tháng đó không ký được hợp đồng lại bị tuýt còi rút giấy phép xuất khẩu. Vậy nói gì đến câu chuyện doanh nghiệp phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu? 

Và tiếp theo câu chuyện này sẽ ra sao trong tháng 5 tới? Ai được xuất, ai phải ở lại nằm chờ? Nếu thật sự không minh bạch trong việc đơn vị nào được xuất, đơn vị nào nằm chờ, doanh nghiệp sẽ không trụ nổi. Bởi lượng lớn hàng tồn kho ngoài cảng, tàu đã đã vô đậu neo đậu chi phí phát sinh, phải bồi thường các hợp đồng, bồi thường phương tiện chờ đợi..., rất nhiều chi phí tốn kém. 

Một hệ quả khác từ vấn đề quota xuất khẩu có thể sẽ chính là tình trạng “chạy chọt” quota. Bài học nhãn tiền trong quá khứ chuyện “con ruột, con ghẻ” về phân bổ hạn ngạch xuất khẩu khi còn duy trì cơ chế hợp đồng tập trung cũng đã từng xảy ra.

Đáng nói hơn, khi bài toán phân chia “ai xuất trước, ai xuất sau” ở “trong nhà” còn chưa có lời giải, thì trong lúc đó, “hàng xóm” cũng là đối thủ lớn nhất của xuất khẩu gạo Việt đã nhẹ nhàng lên giá 5%. Cụ thể, giá chào bán đối với loại gạo 5% tấm của Thái Lan- loại gạo trong cùng phân khúc xuất khẩu với Việt Nam, hiện đã được đẩy lên cao nhất đến 102 USD/tấn.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu gạo: Vừa thông quan đã đóng cửa, doanh nghiệp “kêu trời”

    15:45, 12/04/2020

  • "Gỡ lệnh" dừng xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp mừng, Bộ Tài chính lo

    06:40, 12/04/2020

  • Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo

    11:00, 11/04/2020

  • Chính thức “nối lại” xuất khẩu gạo vào 0 giờ 11/4

    10:51, 11/04/2020

  • Thủ tướng đồng ý xuất khẩu gạo trở lại nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực

    07:49, 11/04/2020

  • Bộ Tài chính kiến nghị xuất khẩu gạo nếp, dừng xuất khẩu gạo tẻ đến hết ngày 15/6

    18:07, 08/04/2020

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang "ngồi trên đống lửa"

    04:36, 07/04/2020

  • Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương có đề xuất báo cáo về xuất khẩu gạo trước ngày 6/4

    02:16, 04/04/2020

  • Xuất khẩu gạo và bài toán hài hòa lợi ích "ba nhà"

    11:00, 01/04/2020

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi dự báo, nếu Việt Nam và một số nước xuất khẩu gạo chủ lực như Ấn Độ, Pakistan và Campuchia tiếp tục áp dụng chính sách tạm ngưng bán ra, thì khả năng giá gạo Thái Lan sẽ được đẩy lên mức giá đến 600 USD/tấn đối với gạo 5% tấm.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cũng từng nhận định rằng, việc các nước dừng xuất khẩu gạo, tức nguồn cung hạn hẹp trong khi nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao là lý do khiến Thái Lan đẩy giá gạo lên cao.

Như vậy, việc hàng loạt doanh nghiệp không thể xuất khẩu gạo trong thời điểm hiện tại chẳng những đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn vì phải chịu các loại chi phí phát sinh, mà còn đánh mất luôn cơ hội xuất khẩu giá cao, thị phần gạo Việt cũng sẽ rơi vào tay người Thái theo cách chúng ta “tự nguyện buông”. 

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nông dân sản xuất lúa trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, vụ hè thu 2020 nửa tháng nữa có thu hoạch, trong khi doanh nghiệp không bán được hàng, hết dòng tiền lưu động để mua lúa gạo.. 

Thiết nghĩ, trong bối cảnh an ninh lương thực không đáng lo như những báo cáo của các Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã thể hiện, thì điều hành chính sách vẫn cần giữ môi trường tự do kinh doanh và đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường. Đặc biệt, những can thiệp cũng cần khéo léo và mềm dẻo, tránh gây sốc dẫn đến những xáo trộn, méo mó với những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu gạo và hệ quả của quota
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO