Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 11 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
>>>Cấp thiết xây dựng vùng nguyên liệu cho ĐBSCL
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 11 và 11 tháng đầu năm, dù giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao, thị trường quốc tế diễn biến phức tạp bởi tác động của xung đột Nga - Ucraina, chính sách của một số nước bảo vệ sản xuất trong nước, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.
Đáng lưu ý, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%, nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%.
Đến nay, có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, 11 tháng, các thị trường châu Á, chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ chiếm 27, 4%, châu Âu 11,3%... Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỷ USD (chiếm 25,0% thị phần), đứng thứ 2 là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD (chiếm 18,9% thị phần), thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD (chiếm 7,9%), thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Như vậy, 11 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại ngành nông nghiệp đạt thặng dư 7,82 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nổi bật ngành thuỷ sản, bất ngờ ước tính đạt giá trị xuất khẩu tới 11 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định: "Một năm xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng ở mức 31%, có thể nói là khá bất ngờ. Năm 2021 là năm chúng ta vướng đại dịch cho nên trên cơ sở đó, cũng khó để nói là tỷ lệ năm nay tăng cao so với mọi năm. Tuy nhiên, kết quả này đến từ nhu cầu thực phẩm sau dịch của các nước đề tăng một cách đáng kể, đồng thời, bên doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và kiên trì theo đuổi các thị trường, sẵn sàng cung ứng khi có nhu cầu".
>>>Doanh nghiệp Việt đưa chuỗi giá trị xuất khẩu bền vững ra thế giới
Cùng với nhịp độ xuất khẩu sôi động của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng trồng và doanh nghiệp chế biến nông sản phía Bắc cũng đang khẩn trương cho những đơn hàng cuối năm.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng đánh giá: “Trung Quốc chưa bỏ hoàn toàn chính sách ”Zero Covid”, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với VNĐ và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn”
Cùng với đó, vừa qua, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý về việc EU truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ rất nghiêm ngặt nên xuất khẩu viên nén gỗ từ Việt Nam sang EU vẫn còn khiêm tốn, Tiêu chuẩn của EU hiện cao hơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản và Hàn Quốc, đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải đầu tư lớn để cải thiện thiết bị và công nghệ.
Về thị trường trong nước, hiện lưu thông hàng hóa trên thị trường trở lại bình thường như trước khi có dịch, nguồn cung dồi dào nên giá cả không có biến động lớn. Tuy có biến động tăng giảm tùy giai đoạn như mặt hàng thịt lợn nhưng tính chung cả năm, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu trong nước tương đối ổn định. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga-Ucraina nên nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp đầu vào tiếp tục ở mức cao so với năm 2021 (phân bón, thức ăn chăn nuôi).
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc, yêu cầu nhập khẩu đối với bưởi xuất sang Hoa Kỳ cho các tổ chức các nhân liên quan tại các đại phương; đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc; kiểm tra trực tuyến hàng tuần với Hải Quan Trung Quốc đối với mặt hàng chuối và sầu riêng. Làm việc với thanh tra kiểm dịch thực vật Nhật Bản sang kiểm tra các cơ sở xử lý thanh long, xoài, nhãn của Việt Nam xuất khẩu.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các nước, khu vực trên thế giới; Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã; Đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng.
Tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS mới của Việt Nam đã thông báo với WTO; Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan liên quan đến Lệnh 248, 249 của TCHQ Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
18:44, 25/11/2022
02:00, 24/11/2022
17:31, 12/11/2022
15:04, 04/11/2022
00:36, 04/11/2022
00:57, 17/10/2022