Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 40% so với cùng kỳ trong quý 1/2019.
Đây là mức cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dựa trên số liệu thương mại từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Theo sau là Campuchia, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong khi đó, con số này tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia đều ở mức âm.
"Đây thực sự là sự tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm trước" - báo cáo mới cập nhật của CTCP chứng khoán Rồng Việt nhận định. Trong Q1/2018, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 18% YoY, mức trung bình của khu vực. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đối chiếu mã HS trong danh sách đánh thuế trị giá 250 tỷ USD của Mỹ lên Trung Quốc với danh sách hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam, chúng tôi ghi nhận sự chuyển dịch hoàn toàn trái ngược.
Về phần Việt Nam, các ngành trọng điểm đều tăng trưởng vượt bậc và bỏ xa mức trung bình quý 1 của 3 năm trước đó. Xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng nhựa và nguyên phụ liệu dệt may tăng trưởng mạnh nhất. Dưới khía cạnh quy mô, sản phẩm nội thất và máy móc thiết bị có mức đóng góp cao nhất. Rõ ràng, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại Việt Nam là những người hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian qua. Theo số liệu từ Bộ Nông Nghiệp Việt Nam, doanh thu xuất khẩu ngành gỗ trong 5 tháng đầu năm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,8% YoY. Trong đó giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 34,7% YoY, theo sau là Nhật Bản (+18,2 YoY).
Đáng chú ý, các mặt hàng Việt Nam trong danh sách trên chỉ chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ của nước ta. Tác động lan tỏa nhìn chung chưa cao do tập trung nhiều vào nguyên phụ liệu hơn là các mặt hàng tiêu dùng. Điển hình như ngành dệt may, các mặt hàng Trung Quốc hiện tại bị Mỹ đánh thuế vốn là các loại nguyên phụ liệu, sợi vải, sản phẩm mà Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ đánh thuế gần 300 tỷ USD hàng còn lại từ Trung Quốc, ảnh hưởng sẽ trở nên sâu rộng hơn khi tác động trực tiếp vào các mặt hàng tiêu dùng. Đơn cử như các sản phẩm may mặc xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam (mã HS 61, 62 và 63).