Nhu cầu tiêu dùng thị trường EU có sự thay đổi rõ rệt, từ sản phẩm sạch sang sản phẩm hữu cơ.
Do vậy cải tiến sản phẩm, đáp ứng đúng sự thay đổi này là yếu tố bắt buộc với các doanh nghiệp Việt Nam muốn gia tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) sang EU.
Công ty CP Nafood Group là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam XK trực tiếp thực phẩm (chanh leo và một số loại trái cây nhiệt đới cô đặc) sang thị trường EU với kim ngạch khoảng 15 triệu USD mỗi năm.
Chia sẻ bí quyết thành công, bà Hồ Thị Loan- Trưởng phòng kinh doanh Công ty Nafood Group cho hay: Thị trường EU đang có sự thay đổi rõ rệt, người tiêu dùng ưa chuộng những sản phẩm hữu cơ, có độ dinh dưỡng cao. Đón xu hướng này, Công ty đã xây dựng chuỗi chanh leo quy mô 1.500 ha với quy trình sản xuất gần với tự nhiên. Công ty còn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng và đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật cung ứng giống chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng và sản phẩm bảo vệ thực vật sinh học cho người trồng.
“Xây dựng chuỗi sản xuất chanh leo giúp Công ty không chỉ kiểm soát được toàn bộ đầu ra đầu vào của sản phẩm mà còn thay đổi thói quen, bảo đảm môi trường sản xuất sạch hơn cho người nông dân. Đây cũng là tiêu chí sản xuất bền vững thị trường EU đòi hỏi với các nhà cung cấp”, bà Loan cho hay.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 10/03/2019
15:18, 28/09/2018
EU vốn là thị trường rất khó tính, tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng hoá nhập khẩu, nhất là thực phẩm ngày một khắt khe. Ngoài những chứng chỉ về an toàn thực phẩm do bên thứ 3 công nhận buộc phải có, thị trường này còn yêu cầu các nhà cung ứng thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo đảm các yếu tố bền vững.
Theo ông Reindert Dekker - Chuyên gia tư vấn cao cấp - Cơ quan hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), những yêu cầu về tồn dư hoá học trong thực phẩm nhập khẩu vào EU càng ngày càng nghiêm ngặt. Bản thân người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm dinh dưỡng, ít muối, đường, gia vị và ít đóng gói hơn. "Tại các siêu thị, hạt điều được đóng gói trong bao bì có thể nhìn thấy được sản phẩm, ngửi được mùi hương là đắt nhất chứ không phải sản phẩm cùng loại được tẩm ướp gia vị, bao gói cẩn thận”, ông Reindert Dekker ví dụ.
Tại Việt Nam, những doanh nghiệp có thể XK trực tiếp thực phẩm sang EU chưa nhiều, bản thân Nafood Group cũng gặp không ít khó khăn trong việc bảo đảm độ chặt chẽ trong quy trình sản xuất. Nguyên do, cam kết của nông dân với doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Hầu hết doanh nghiệp ngành chế biến sản phẩm cô đặc từ trái cây có quy mô nhỏ, sản xuất rời rạc trong khi chưa có hiệp hội đúng nghĩa để dẫn dắt, tạo ra thế mạnh riêng của ngành. Do vậy, sức cạnh tranh trên thị trường XK chưa cao. Nếu cải thiện được những hạn chế này, liên kết hệ thống sản xuất thì khả năng kiểm soát chất lượng, kiểm soát bên cung ứng cũng như cạnh tranh của thực phẩm Việt Nam sẽ cao hơn.
Từ kinh nghiệm thực tế, đại diện Nafood Group cho rằng, trước khi XK sang thị trường EU, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, hiểu rất rõ yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng và đặc biệt là xu hướng thị trường để chuyển hướng sản xuất cho phù hợp.
Ở tầm vĩ mô hơn, ông Reindert Dekker khuyến cáo, các công ty XK thực phẩm muốn gia tăng kim ngạch tại EU cần đón đúng xu hướng thị trường. Trên cơ sở xu hướng thuận tự nhiên, sản phẩm có độ dinh dưỡng cao, doanh nghiệp tìm cách chế biến ra những sản phẩm giữ nguyên chất dinh dưỡng, không có nhiều phụ gia, thiết kế bao bì đơn giản, minh bạch và thân thiện với môi trường.
“Thực phẩm không còn là sản phẩm thô mà cần có tính văn hoá, cảm xúc, hình ảnh. Do vậy, điều đầu tiên là doanh nghiệp cần phải tự hào và tự tin về sản phẩm, từ đó sáng tạo những câu chuyện về sản phẩm, kết hợp nhiều loại mặt hàng nhằm tăng giá trị cho sản phẩm” - ông Reindert Dekker nhấn mạnh.