Xuất khẩu thủy sản đã đạt được thành quả ấn tượng 8 tỷ USD trong năm 2017 nhưng bước sang năm 2018, không nhiều tín hiệu lạc quan. Nguyên nhân chính là do các nước ngày càng đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật đầy thách thức.
Trái với những dự báo thiếu tích cực đầu năm 2017, khi phải đối diện với những khó khăn từ tác động của tỷ giá, sức mua suy giảm cho đến các hàng rào kỹ thuật, thuế chống bán phá giá, truyền thông bôi nhọ từ các nước… ngành thủy sản đã có cuộc đảo chiều ngoạn mục, khi càng về gần cuối năm càng tăng trưởng mạnh mẽ cả về sản lượng lẫn giá trị.
Nỗ lực và thành quả
Bức tranh ngành thủy sản năm nay đan xen nhiều mảng sáng tối. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ và châu Âu (EU), vốn là 2 thị trường chủ chốt của Việt Nam, chiếm tổng giá trị hơn 1 tỷ USD, nhưng lại đang đặt ra hàng loạt điều kiện khó khăn cho các doanh nghiệp Việt. Thị trường Mỹ thì thiết lập thuế chống bán phá giá và chính sách bảo hộ, trong khi tại thị trường EU, doanh nghiệp thủy sản Việt lại lao đao vì biến động tỷ giá, truyền thông bôi nhọ, sức cầu suy giảm…
Mặc dù vậy, trong các tháng cuối năm 2017, tình hình có biến chuyến khả quan. Đáng chú ý là xuất khẩu thủy sản có đà tăng mạnh tại các thị trường mới nổi như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Philippines, với mức tăng lần lượt 70%, 71%, 65% và 60,3% trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Đan Mạch cũng tăng đột biến 104%, đạt 57,8 triệu USD. Dù giá trị kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ, nhưng đây được kỳ vọng là thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới, bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng tốt, tăng gần 70% so với năm ngoái. Đáng mừng nữa là các doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Tăng trưởng tốt ở thị trường Trung Quốc đã giúp bù đắp lại sự giảm sút ở các thị trường truyền thống là Mỹ và EU.
Nếu thời gian tới Việt Nam không đáp ứng được các quy định của EU về kiểm soát khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, thì sẽ rất khó để Nghị viện châu Âu phê chuẩn FTA
Ông Hòe phân tích thêm, mặc dù nhiều doanh nghiệp phải ngưng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vì bị áp thuế chống bán phá giá cao, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp được hưởng mức thuế thấp. Đây là những doanh nghiệp có hệ thống quản lý tốt, chủ động được nguồn cá tra nguyên liệu.
Một "bệ đỡ" khác cho ngành thủy sản là con tôm đã tăng trưởng đáng kể cả về giá trị lẫn sản lượng. Thị trường Nhật đang hút mạnh tôm Việt, do sức mua tăng mạnh và tỷ giá đang có lợi khiến cho tôm nhập khẩu Việt Nam rẻ hơn các nước khác. Mặt khác, nguồn cung tôm từ hai nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ và Thái Lan không dồi dào, giúp cho mặt bằng giá tôm trên thế giới không bị giảm xuống.
“Riêng con tôm và cá tra mang lại phân nửa giá trị kim ngạch xuất khẩu - khoảng hơn 4 tỷ USD. Không có những biến động bất thường trong cả sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu lẫn xu hướng thị trường”, ông Hòe cho biết.
Thách thức mới
Tuy nhiên, câu chuyện lạc quan với ngành thủy sản có khả năng không tiếp tục trong năm 2018. Nếu như ngành chế biến cá tra và tôm chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước thì các lĩnh vực khác trong ngành thủy sản phần lớn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Một rủi ro lớn khác mà Việt Nam phải đối mặt là việc cuối tháng 10/2017, EU đưa thẻ vàng cảnh báo Việt Nam về tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Động thái này có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU và những thị trường khó tính. Theo VASEP, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 300-400 triệu USD/năm, song điều đáng lo nhất với thẻ vàng IUU là còn có nguy cơ ảnh hưởng đến các thị trường Mỹ và nhiều thị trường tiềm năng khác. Theo tính toán của VASEP, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này khoảng từ 1,9 - 2,2 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP cho biết, hậu quả là 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác với thời gian có thể kéo dài 3-4 tuần. Riêng phí kiểm tra nguồn gốc đã lên tới khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và cơ hội kinh doanh bị lỡ. Chưa kể, nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm từ 5.000-10.000 Euro/container.
Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, nếu thời gian tới Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, quy định của EU về IUU thì việc này còn có nguy cơ gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệp định FTA Việt Nam - EU, cụ thể là sẽ rất khó để Nghị viện châu Âu phê chuẩn FTA. Thái Lan là một minh chứng cụ thể cho vấn đề trên. Tháng 4/2015, nước này bị EU giơ thẻ vàng và mặc dù đã có những động thái hợp tác như sửa đổi luật, truy xuất nguồn gốc… nhưng chưa được EU đánh giá là có sự tiến triển. FTA Thái Lan - EU, vì thế, vẫn bị “treo”, chưa có hiệu lực.
Hơn thế, theo ông Trương Đình Hòe, bắt đầu từ sang năm, tác động tiêu cực từ rào cản kỹ thuật của thị trường Mỹ mới tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2017, chính phủ Úc ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín vì những lo ngại về dịch bệnh… Có thể một số thị trường khác cũng sẽ có động thái tương tự.