Trong tháng 3, tính đến ngày 28/3/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 6 giao dịch phát hành với tổng giá trị 7,25 nghìn tỷ từ 4 doanh nghiệp.
>>>Giảm dần rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
Đó là 4 doanh nghiệp với các đợt phát hành cụ thể như sau:
Thứ nhất, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Hải Đăng chào bán hai lô trái phiếu với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, trong đó lô trái phiếu 1.300 tỷ có kỳ hạn 18 tháng với lãi suất coupon 9,8% và lô trái phiếu 1.200 tỷ có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 10%. Hai lô trái phiếu thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và tổ chức lưu ký là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, đây là lần đầu tiên BĐS Hải Đăng phát hành trái phiếu riêng lẻ. Hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp này là gần 5.260 tỷ đồng.
Được biết, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng được thành lập vào cuối năm 2022, với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tức công ty này mới chỉ có hơn 1 năm tuổi. Trụ sở chính của công ty đặt tại Dự Án Khu đô thị sinh thái Dream City, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Người đại diện công bố thông tin của doanh nghiệp là Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Phước.
Cập nhật từ VSD vào cuối tháng 3, 12.000 trái phiếu HDRCB2427002 và 13.000 trái phiếu HDRCB2425001 đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu.
>>>Bất động sản, ngân hàng vắng mặt - Trái phiếu doanh nghiệp dò đáy phát hành mới
Thứ hai, Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Việt An hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 1.250 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm với lãi suất 9,8%. Thông tin từ Thương mại Việt An, lô trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Với hình thức đảm bảo là “Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính, tín dụng; Đảm bảo bằng tài sản” và Tài sản đảm bảo là “Quyền phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Trên thị trường, Việt An được biết đến là một công ty có trụ sở tại Khu đô thị mới Việt Hưng, thuộc chủ đầu tư Tổng Công ty HUD nhưng được triển khai nhiều dự án với nhà đầu tư thứ phát, trong đó có Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình công cộng, dịch vụ thương mại và nhà ở tại Lô đất ký hiệu C4.HH-1; C4.CCKO (CCKO – Lô A) thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến làm chủ đầu tư mà Tân Hoàng Minh đã phát hành trái phiếu - thuộc 1 trong 9 lô trái phiếu sai phạm khi phát hành của Tập đoàn này.
Việt An được thành lập năm 2013, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ecocons Hà Nội. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Việt An bà Trần Kim Quyên (sinh năm 1971). Vào năm 2020, Phát triển Thương mại Việt An tiếp tục được giới đầu tư và kinh doanh bất động sản nhắc tới khi cùng công ty Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup, là doanh nghiệp BĐS quy mô lớn nhất Việt Nam) cùng tham gia nộp hồ sơ chọn nhà thầu thực hiện dự án Khu đô thị Hàm Nghi (Hà Tĩnh). Đây là dự án siêu đô thị được xây dựng trên địa bàn các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập (thành phố Hà Tĩnh) và các xã Thạch Tân, Thạch Đài (huyện Thạch Hà) với tổng diện tích 136,8ha. Số vốn đầu tư dự kiến là 23.545 tỷ đồng và được triển khai thực hiện trong thời gian 6 năm.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, hiện Phát triển Thương mại Việt An có vốn điều lệ 2.768 tỷ đồng. Người đại diện công bố thông tin của doanh nghiệp là Tổng Giám đốc Lê Hồng Quân. Lô trái phiếu Việt An phát hành trong tháng cũng đã được VSD cập nhật cấp giấy chứng nhận đăng ký trái phiếu lần đầu.
Thứ ba, CTCP Thương mại Du lịch Lạc Hồng phát hành lô trái phiếu 495 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Với hình thức đảm bảo là “Bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính, tín dụng; Đảm bảo bằng tài sản”. Về lãi suất, lô trái phiếu này có lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi, dự kiến với 4 kỳ tính lãi đầu tiên cố định bằng 9%/năm và các kỳ tính lãi còn lại thả nổi và bằng tổng của 4,3%/năm cộng lãi suất tham chiếu.
Tổ chức đăng ký, lưu ký cho lô trái phiếu này là TCBS. Lô phát hành 1.150 trái phiếu đã đăng ký và cấp mã từ VSD ngày 3/4.
Được biết, Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Lạc Hồng, có địa chỉ trụ sở chính tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Thương mại, dịch vụ và hiện có vốn điều lệ 465 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong 4 tổ chức phát hành của tháng 3 mà tên thương hiệu không gắn với đầu tư hay hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Song thực tế xem xét trên hình thức bảo đảm, tài sản bảo đảm và các dự án được nêu phụ lục theo phương án phát hành, có thuộc sở hữu của Tổ Chức Phát Hành và/hoặc bên thứ ba; theo tìm hiểu, đây cũng là công ty có "tệp" danh mục đầu tư địa ốc dày dặn.
Thứ tư, Công ty Cổ phần Vinhomes theo thống kê, phát hành thêm 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất coupon cố định 12%. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Vinhomes trên thị trường như đề cập là Công ty bất động sản thuộc Tập đoàn Vingroup, được đánh giá là thương hiệu bất động sản có giá nhất Việt Nam. Theo BCTC, tính đến cuối năm 2023, Vinhomes có số dư trái phiếu 15.365 tỷ đồng, trong đó 4.421 tỷ đồng tới hạn phải trả trong năm 2024. Tất cả trái phiếu của Vinhomes đều do TCBS- công ty con của Ngân hàng Techcombank - tư vấn phát hành.
Trong kế hoạch năm 2024, theo Nghị quyết HĐQT Công ty đã được công bố ngày 22/3/2024, Vinhomes dự kiến huy động 10.000 tỷ đồng bằng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu sẽ được phát hành thành nhiều đợt, bắt đầu muộn nhất vào quý III/2024.
Nhìn chung về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong tháng 3/2024, FiinRatings nhìn nhận giá trị phát hành trong tháng ở mức thấp, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lượng phát hành tăng 3,4 lần so với tháng trước đó.
Bên cạnh đó, hoạt động mua lại đạt mức 8,03 nghìn tỷ đồng, tuy tăng nhẹ so với các tháng trước nhưng cũng tương đối trầm lắng khi so với cùng kì năm trước. "Chúng tôi kỳ vọng hoạt động phát hành có thể sôi động trở lại trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là từ Quý II", các chuyên gia thuộc Khối Phân tích và Nghiên cứu Tín dụng của FiinRatings cho biết.
Theo ghi nhận toàn quý, tại cuối tháng 3/2024, thị trường có 18 lô trái phiếu phát hành mới bởi 15 doanh nghiệp, giá trị đạt 18,75 nghìn tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà phát hành chủ yếu là nhà phát triển Bất động sản (giá trị phát hành chiếm hơn 55% tổng giá trị), theo sau là các doanh nghiệp Xây dựng và vật liệu (24%) và Dịch vụ tài chính (8%), trong khi đó cùng kỳ năm trước cơ cấu tập trung ở các ngành Bất động sản và Thực phẩm và đồ uống.
FiinRatings lưu ý, kỳ hạn phát hành trong Quý I vừa qua chủ yếu có kỳ hạn dưới 5 năm, do thị trường không ghi nhận trái phiếu phát hành mới bởi nhóm các ngân hàng thương mại mà cụ thể là trái phiếu tăng vốn.
Điều này cũng có thể xem như một gợi ý về sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại với nhu cầu bổ sung vốn cấp 2 qua cửa thị trường vốn nợ rất hẹp. Dù vậy, một chuyên gia cho rằng với xu hướng tín dụng đang phục hồi, và sau kỳ đại hội đồng cổ đông mà các ngân hàng đang nhộn nhịp tổ chức chủ yếu tập trung trong tháng 4, có thể sau đó, thị trường sẽ đón nhận những đợt phát hành mới từ các tổ chức phát hành là nhà băng.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp địa ốc “đau đầu” xoay tiền đáo hạn trái phiếu
05:00, 28/03/2024
Doanh nghiệp lạ "hút" thành công 1.250 tỷ đồng từ trái phiếu là ai?
06:00, 21/03/2024
Trái phiếu bền vững chiếm tỷ lệ tài trợ nợ vượt trội trong ASEAN
14:42, 21/03/2024
Mua lại trái phiếu trước hạn và khả năng thanh toán
04:00, 17/03/2024
Công ty chứng khoán nặng phân phối trái phiếu còn rủi ro tài sản
12:36, 16/03/2024