Theo chuyên gia của BVSC, biến động giảm sâu trong thời gian qua một phần đến từ tâm lý đám đông, tuy nhiên hiện các nhà đầu tư trên thị trường đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với trong quá khứ.
Chứng khoán tháng 5: Đã đến thời điểm giải ngân cho nhà đầu tư?
Thời gian qua, thị trường đã có biến động giảm gần 300 điểm từ vùng đỉnh 1536 điểm của VN-Index nhờ dòng tiền bắt đáy tham gia thị trường. Nhưng trước đó, thị trường đã giảm mạnh do tâm lý đám đông, để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí DDDN đã có buổi trao đổi với ông Trần Xuân Bách, Trưởng nhóm chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
- Thưa ông, tuần qua thị trường đã xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm mạnh trong phiên đầu tuần và điều chỉnh tăng mạnh trở lại, phải chăng dòng tiền bắt đáy đã hỗ trợ thị trường?
Trong giai đoạn vừa qua với diễn biến sụt giảm mạnh của thị trường đã mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư cũng như dòng tiền đang đứng ngoài thị trường. Bởi một số yếu tố mà tôi đánh giá rằng đã kích hoạt được lực cầu bắt đáy.
Thứ nhất, sau đợt sụt giảm mạnh từ vùng đỉnh 1.536 điểm, VN-Index đã trải qua nhịp sụt giảm gần 300 điểm đẩy mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam xuống sâu. Các cổ phiếu đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã rơi vào vùng định giá hấp dẫn trong trung và dài hạn. Nếu tính trung bình mặt bằng định giá của nhiều cổ phiếu bluechips trên TTTCK Việt Nam, mức P/E đã rơi vào mức khoảng 14 lần nhưng nhìn forward về mặt bằng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022, mức P/E forward còn đâu đó 12-13 lần, đây là mức rất hấp dẫn đối với mặt bằng chung cổ phiếu trên thị trường. Điều này đã tạo ra sự hấp dẫn đối với dòng tiền đứng ngoài thị trường, đặc biệt dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế cho thấy, tính từ đầu tháng 4, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng với giá trị giao dịch khoảng 4.500 tỷ đồng. Việc khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại trong tháng 4 cũng đã thể hiện mặt bằng chung giá cổ phiếu ở thị trường đã về vùng hấp dẫn.
Thứ hai, do yếu tố kỹ thuật, sau nhịp sụt giảm nhanh và mạnh, trạng thái chung của VN-Index và VN30, các nhóm cổ phiếu sau 1 tuần bán tháo đã rơi vào trạng thái quá bán và sâu trên diện rộng. Chính vì thế đã xuất hiện nhịp hồi kĩ thuật, kích hoạt dòng tiền bắt đáy vào thị trường để đón nhịp hồi kỹ thuật của các nhóm cổ phiếu.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam theo ông hiện nhà đầu tư vẫn đang đầu tư theo xu hướng đám đông hay đã chuyên nghiệp hơn, nhìn vào sức khỏe của doanh nghiệp và tính đường dài?
Có thể nói, tâm lý đám đông luôn luôn xuất hiện ở các thị trường, đặc biệt là các thị trường có tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân lớn. Nếu nhìn trong khoảng 2 năm qua, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm trên 90%, như vậy chúng ta có thể thấy thị trường Việt Nam vẫn là thị trường của nhà đầu tư cá nhân. Chính vì vậy, tâm lý đám đông vẫn luôn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, so với quá khứ, kiến thức của nhà đầu tư đã được nâng lên đáng kể, điều này giúp tâm lý đám đông giảm đi cùng với trình độ chuyên môn của nhà đầu tư được nâng cao rất nhiều cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Chính vì vậy, khi có những thông tin tiêu cực hoặc yếu tố bất lợi trên thị trường xảy ra, diễn biến thị trường đã không còn quá hoảng loạn, tác động mạnh lên thị trường trong thời gian dài như quá khứ.
Các nhà đầu tư về ngắn hạn có xuất hiện áp lực bán và áp lực tâm lý bán tháo theo hiệu ứng đám đông nhất định, tuy nhiên sau một khoảng thời gian, tâm lý nhà đầu tư đã vững hơn trước do có sự bổ trợ của kiến thức và tham chiếu thị trường trong quá khứ. Chính vì vậy, tôi cho rằng tâm lý đám đông hiện tại đã được giảm đi đáng kể, các nhà đầu tư trên thị trường đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với trong quá khứ.
Một yếu tố khác, chúng ta có thể nhìn nhận cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, kênh đầu tư chứng khoán trong 2 năm trở lại đây đã trở thành kênh phân bổ tài sản của các nhà đầu tư với mục đích trung và dài hạn, bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản, vàng. Điều này là dấu hiệu tích cực, khiến nhà đầu tư sẽ phải tìm hiểu kỹ hơn khi đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Siết trái phiếu doanh nghiệp "3 không" và phát hành riêng lẻ
- Nếu vậy vì sao khi VN-Index giảm, đã kéo cả thị trường bán tháo theo? Tâm lý nhà đầu tư giai đoạn hiện nay đang bị chi phối vì điều gì thưa ông?
Giai đoạn giảm điểm vừa qua của thị trường, có một số yếu tố chi phối: Thứ nhất, các thông tin bắt giữ liên quan đến các công ty có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường như FLC, Tân Hoàng Minh tạo nên một số lo ngại cho nhà đầu tư.
Những thông tin đó tạo ra hiệu ứng tâm lý không tích cực của nhà đầu tư trên thị trường.
Thứ hai, những thông điệp của nhà điều hành sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn để chấn chỉnh thị trường, lành mạnh hóa thị trường để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, với những yếu tố trên đã tạo ra phản ứng không tích cực trên thị trường trong ngắn hạn.
Thứ ba, yếu tố thị trường chứng khoán thế giới cũng tác động tiêu cực lên thị trường trong nước. Trong tháng 5, tuần đầu tiên Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tổ chức cuộc họp với nhiều khả năng tăng lãi suất, mức tăng còn mạnh hơn tháng 3. Giới đầu tư lo ngại FED đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất trong năm nay, khiến TTCK Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực, từ đó tác động lên thị trường Việt Nam.
Thứ tư, yếu tố thông tin liên quan tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tăng trưởng của các doanh nghiệp được kỳ vọng duy trì tăng tích cực trong năm 2022, nhưng khi nhìn về dự báo KQKD quý 1 và mùa ĐHCĐ sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu, tuy nhiên khi những thông tin này qua đi cũng gây hiệu ứng ngược, tạo áp lực chốt lời gia tăng, góp phần vào đà giảm của thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
05:30, 02/05/2022
05:15, 02/05/2022
04:32, 01/05/2022