Dù công nghệ số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, nhưng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Trong một nghiên cứu thực hiện giữa năm 2020 do Trường Quản lý của Đại học Công Nghệ Massachusset (MIT) kết hợp với Công ty Cognizant tiến hành khảo sát 4.296 lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, từ trên 20 ngành khác nhau cho thấy: 88% cho rằng tương lai thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào sự hiểu biết về kỹ thuật số của các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên chỉ 12% lãnh đạo doanh nghiệp có tư duy đúng đắn về nền kinh tế kỹ thuật số. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp có khát vọng chuyển đổi số, rất ít lãnh đạo cam kết phát triển tài năng liên quan tới kỹ thuật số.
Trong cuốn sách Lãnh Đạo Trong Thế Giới Số (Leading in the Digital World) xuất bản năm 2020, Amit Mukherjee, Giáo sư về Lãnh đạo và Chiến lược tại trường Hult International Business School, có lập luận: Công nghệ số đã thay đổi mọi thứ trên thế giới. Vậy tại sao các nhà lãnh đạo KHÔNG thay đổi tư duy và phong cách?
Nghiên cứu của MIT đã chỉ ra một số những khoảng trống quan trọng ảnh hưởng tới lãnh đạo của kỷ nguyên số. Một mặt lực lượng lao động kỹ thuật số cao cấp đang gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo phải cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để giao tiếp tốt hơn và có thể đo lường được hiệu suất nhân viên. Mặt khác, lực lượng lao động kỹ thuật số mong đợi các nhà lãnh đạo quan tâm tới những mong muốn tình cảm và giá trị mà họ mang lại cho công việc.
Những khoảng trống lãnh đạo này càng trở nên trầm trọng hơn bởi kỹ thuật số xóa nhòa ranh giới giữa nơi làm việc và ở nhà, giữa nghĩa vụ cá nhân và tổ chức, và giữa các ưu tiên của cổ đông và cộng đồng. Ví dụ, suốt từ tháng 3/2020 đến nay, nước Anh đã trải qua hai kỳ cách ly xã hội, tôi “làm việc tại nhà”. Việc cơ quan, việc cộng đồng và việc cá nhân khiến tôi hầu như không có kỳ nghỉ với gia đình dù tôi vẫn đang ở cùng họ. Nhiều khi tôi tự hỏi: Tôi đang làm việc ở nhà hay hay đang sống với công việc?. Hay việc cá nhân tôi tham gia vào các dự án cộng đồng tại Việt Nam, thì trường đại học nơi tôi làm việc ở Anh Quốc có thể được hưởng lợi về mặt danh tiếng do những việc tôi làm cho cộng đồng quốc tế. Sự xóa nhòa ranh giới này được nhóm nghiên cứu của MIT gọi là “sụp đổ bối cảnh”.
Sự sụp đổ bối cảnh đặt ra một mặc định đối với các nhà lãnh đạo cũng như người lao động: mọi thứ có thể luôn được phơi bày, và ai cũng có thể tiếp cận được. Môi trường kinh doanh kỹ thuật số có thể trở thành “trận chiến không gian”, có khả năng vũ khí hóa cách các nhà lãnh đạo tương tác với nhân viên, giao tiếp với bên ngoài, và minh bạch với cộng đồng. Các nhà lãnh đạo có thể bị buộc phải phản ứng, chính thức hoặc không chính thức, nếu đột nhiên ai đó khui lên những lượt tweet lại gây tranh cãi, hay những bức ảnh cũ không mấy “sạch” chẳng hạn. Tính minh bạch là mặc định mới đối với lãnh đạo cho dù họ có muốn hay không. Ví dụ, biên bản họp cổ đông có thể lọt ra bên ngoài ngay trong khi cuộc đang tiến hành. Các Giám đốc điều hành của thế kỷ 21 phải chủ động cân nhắc những rủi ro về danh tiếng của việc các thông điệp bị thu gọn theo ngữ cảnh đang lan truyền trên Instagram, YouTube, TikTok và/ hoặc Twitter.
COVID-19 như một cú nhấn cuối cùng xóa nhòa ranh giới về bối cảnh. Chính sự sụp đổ bối cảnh làm cho các nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên số trở nên minh bạch hơn, dễ thấy hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho họ dễ bị tổn thương hơn. Đây là một sự thay đổi lớn đối với lãnh đạo, bởi vì họ không còn nhiều quyền lực như xưa. Điều này buộc họ phải thay đổi. Vậy họ cần thay đổi như thế nào? Dưới đây là những điều tôi học được khi “đứng trên vai của những người khổng lồ”.
Thứ nhất, lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức cần đưa mục đích trở thành một nguyên tắc. Simon Sinek, tác giả của cuốn Trò chơi Vô hạn (Infinite Game, 2019) có nêu ra ba trách nhiệm quan trọng của một doanh nghiệp. Đó là (1) Nâng cao mục đích: mang lại cho mọi người cảm giác thuộc về nơi họ làm việc, và cảm giác rằng cuộc sống và công việc của họ có giá trị vượt ra ngoài công việc thể chất; (2) Bảo vệ con người: vận hành tổ chức theo cách bảo vệ con người làm việc cho tổ chức, những người sử dụng dịch vụ/ sản phẩm và môi trường chúng ta sống và làm việc; (3)Tạo ra các nguồn lực: tiền và các nguồn lực khác là nhiên liệu để một tổ chức duy trì sự tồn tại để có thể tiếp tục thúc đẩy hai ưu tiên đầu tiên. Nói như thế để thấy lợi nhuận kinh doanh đặt sau mục đích và con người, chứ không phải là điều tiên quyết.
Thứ hai, các nhà lãnh đạo nên quan tâm đến tâm lý và tình cảm của nhân viên cũng như khách hàng trong trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ số của doanh nghiệp. Việc xây dựng các KPIs để chuyển đổi kỹ thuật số về mặt tâm lý trở nên quan trọng như việc xây dựng KPIs thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số hiệu quả. Người ta ngày càng mong đợi các nhà lãnh đạo chia sẻ cảm xúc về lý do tại sao họ chọn làm lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo nên học cách lãnh đạo vừa hiệu quả vừa có tình người. Họ cần cân nhắc xem ở mức độ nào thì mục đích có thể nâng cao đạo đức. Đạo đức quan trọng như thế nào đối với điểm khuyến mại ròng và trải nghiệm khách hàng? Mục đích của doanh nghiệp có làm tăng sự trung thành của khách hàng?... Những câu hỏi này là những giả thuyết cần kiểm chứng xung quanh việc tạo ra giá trị trong tương lai.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo trong thế kỷ 21 phải là những người theo thiên hướng dữ liệu, kể cả trong việc mở rộng mạng lưới của mình. Mạng lưới lãnh đạo là các kết nối con người, nơi quyền lực thực sự nằm ở đó. Đấy chính là đặc quyền từ một số ít vị trí có tầm ảnh hưởng. Việc hình ảnh hóa mạng lưới sẽ cho họ những phân tích chính xác hơn về sự đa dạng, cơ hội và hiệu suất. Chuyển đổi kỹ thuật số làm cho mạng lưới lãnh đạo minh bạch hơn, trong khi tạo cơ hội làm giàu dữ liệu để phát huy tối đa tài nguyên con người.
Thứ tư, lãnh đạo hướng tới tăng khả năng sáng tạo hơn là tăng năng suất. Trong kỷ nguyên số thì vốn tài chính không còn là điều kiện tiên quyết. Nguồn vốn trong kỷ nguyên này chính là vốn văn hóa và vốn sáng tạo. Doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp có khả năng sáng tạo, chứ không phải có khả năng tăng năng suất, bởi vì sáng tạo sẽ dẫn tới tăng năng suất mà tốn ít nguồn lực nhất có thể. Để làm được điều này thì người lãnh đạo cần có được sự thấu cảm; dừng ngay việc tìm kiếm sự đồng nhất/ đồng thuận, thường xuyên thử thách niềm tin của mình; nên là người nói sau cùng để nhường cho nhân viên nói trước, để tránh áp đặt suy nghĩ cho nhân viên.
Thứ năm, lãnh đạo hướng tới sự đa dạng và trân trọng sự khác biệt. Sự phân biệt về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, và văn hóa ở thế kỷ trước sẽ dần được loại bỏ ở thời đại số chính bởi vì sự khác biệt sẽ làm nên điều đặc biệt, và được nhìn nhận là sáng tạo. Một ví dụ về anh chàng chăn bò nghèo Bình Định, Sô Y Tiết, hát những số đếm bằng tiếng Anh trên Tiktok đã trở thành một hiện tượng thế giới, được các ngôi sao thế giới và thậm chí CLB bóng đá Manchester United lăng xê. Đấy là do thời đại số và mạng xã hội, còn không, anh có lẽ vẫn mãi là chàng trai nghèo chăn bò, chứ chưa nói tới khả năng truyền cảm hứng cho ai. Doanh nghiệp và tổ chức cũng vậy, sự sáng tạo của con người không nhất thiết được thể hiện qua hình thức, nguồn gốc, giới tính hay gia cảnh.
Cuối cùng, lãnh đạo thời kỳ số phải là những người có hiểu biết rộng, hơn là chuyên môn hẹp. Đối với người làm lãnh đạo thì chuyên môn hẹp được phát triển một cách cẩn thận trong nhiều thập kỷ lại rất nhanh chóng mất giá trị vì những thay đổi siêu nhanh của khoa học và kỹ thuật. Người lãnh đạo cần có khả năng tìm hiểu giữa những ranh giới chuyên môn mà các chuyên gia thường tránh (vì họ chỉ có chuyên sâu vào lĩnh vực hẹp). Lãnh đạo thời đại này phải là những người sẵn sàng đọc tất cả các tài liệu và học vô cùng nhanh.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Người đứng đầu phải là nhà lãnh đạo số
10:00, 02/07/2020
Chuyển đổi số xác định con người chính là yếu tố trung tâm
06:40, 23/03/2021
Sự linh hoạt là nền tảng trong quá trình chuyển đổi số
12:55, 22/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs: (Bài 6) 5 bước lựa chọn nhà cung cấp chuyển đổi số
04:00, 18/03/2021
Mất an toàn thông tin – trở lực của chuyển đổi số
15:20, 17/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs (Bài 5): Đột phá tại “điểm kỳ dị”
11:00, 16/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs (Bài 4): 5 chỉ số đo lường cần biết
05:00, 13/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs (Bài 3): Kế hoạch và ngân sách!
11:10, 10/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs: Bài 3: “Cần nhưng không thể vội”!
04:04, 10/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs (Bài 2): "Điểm nghẽn" cần gỡ
03:28, 09/03/2021
Chuyển đổi số cho SMEs: Bài 1: Cuộc chơi “đổi vận”
15:00, 08/03/2021