“Đầu tư công” bấy lâu nay được ví như “chùm khế ngọt”, nên mới có chuyện hàng loạt công trình đội vốn lên đến 50 – 70%, thậm chí vượt hơn 100% trong nhiều lĩnh vực.
Tại phiên thảo luận “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” mới đây, hàng loạt công trình, dự án đội vốn khủng được “chỉ mặt đặt tên”, trong đó có một số công trình đội vốn nghìn tỷ tại tỉnh Ninh Bình, kèm theo lý giải “hợp quy trình” của vị Đại biểu tỉnh này thật sự đã làm nóng nghị trường lẫn dư luận cả nước.
Tâm điểm là Dự án nạo vét sông Sào Khê, có tổng mức đầu tư 72 tỉ đồng thực hiện việc nạo vét sông và kè 2 bên bờ sông. Sau nhiều lần điều chỉnh phê duyệt lại, dự án được nâng lên 2.595 tỉ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ. Kết tiếp, Dự án Nạo vét sông Đáy, được phê duyệt năm 2010 với số vốn từ ngân sách nhà nước là 2.078 tỷ đồng. Vài năm sau, mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh thành 9.720 tỷ đồng, tăng 7.642 tỷ.
Có thể bạn quan tâm
01:18, 22/05/2018
17:28, 28/05/2018
18:13, 25/05/2018
11:00, 25/05/2018
05:30, 03/05/2018
13:05, 02/03/2018
Đáng lưu ý, hai dự án này được UBND Tỉnh Ninh Bình chỉ định thầu, không qua đấu thầu, trái với quy định của pháp luật và đội vốn hơn 10 nghìn tỷ, gấp 3 lần cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) mà Úc vừa tài trợ.
Hay một số Dự án khác như Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đội vốn hơn 850 tỷ; Dự án Xây dựng nâng cấp đường tỉnh ĐT477B đội vốn hơn 1.100 tỷ; Dự án Nâng cấp đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân đội vốn hơn 560 tỷ; Dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long đội vốn hơn 430 tỷ đồng..v..v.
Những Dự án đội vốn trên có vẻ như đã được các lãnh đạo cấp cao của tỉnh đồng thuận vì nó có ý nghĩa dân sinh và tạo đà cho sự phát triển của phương. Vì thế, vị Đại biểu nhân dân của tỉnh Ninh Bình mới dám phát biểu là “đội vốn hợp lý”. “Với dự án có ý nghĩa lớn với sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý” - Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) phát biểu.
Song song, khi chia sẻ về Dự án Sào Khê kéo dài đến 17 năm nhưng vẫn chưa “thành hình” ở bên lề Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, kiêmTrưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho biết, nguyên do của việc dự án này đội vốn gấp 36 lần so với đầu tư ban đầu nhưng vẫn chưa đâu vào đâu là do tại cơ chế.
Vị Bí thư tỉnh Ninh Bình nói: “Nguyên nhân đội vốn là khảo sát không kỹ, quy mô nghĩ đơn giản. Tâm lý ban đầu là làm sao cứ được xếp vào danh mục. Đầu tiên là quy mô vừa vừa để được chấp nhận vào danh mục, nhưng khi vào làm rồi thì không thể như thế được. Vì đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, dẫn đến phát sinh, nên phải điều chỉnh lại dự án. Lỗi ở đây chính là câu chuyện về cơ chế”.
Nói như vậy, hóa ra các cán bộ của ta cứ muốn làm nhiều, duyệt nhiều dự án để cho đẹp, cho có số liệu báo cáo và đặc biệt hơn là để có cái mà đút vào túi. Vừa có dự án để báo cáo lãnh đạo, vừa có tiền để rủng rỉnh đút túi thì chẳng có lý do gì để cán bộ của ta không duyệt dự án cho mau, cho lẹ, còn câu chuyện làm ra sao, làm thế nào, làm bao lâu thì chẳng cần quan tâm?
Đến khi muốn làm “đến nơi đến chốn” thì Dự án cứ phình to ra một cách thiếu kiểm soát. Có điều, nếu đã nhận thức được việc quy hoạch trước đó không phù hợp thì tại sao địa phương không mạnh mẽ dừng hẳn dự án để tiến hành quy hoạch lại, đánh giá lại những vấn đề liên quan rồi mới tiếp tục triển khai?
Nói thẳng ra, việc hàng loạt các Dự án, nhất là đầu tư công bị đội vốn lớn có lẽ cũng chỉ là tăng trên lý thuyết. Còn trên thực tế, bao nhiêu tiền trực tiếp chảy về dự án và bao nhiêu tiền “đi lạc” vào túi ai đó thì đố ai có thể biết được! Suy cho cùng, cơ chế cũng là do con người tạo ra và do con người thực hiện. Bởi vậy, nếu cơ chế có lỗi thì không ít cán bộ cũng khó tránh được liên quan.
Từ chuyện của Ninh Bình, đến “đường sắt đô thị trên cao” ở Hà Nội, rồi Metro ở TP.HCM, xen lẫn là các dự án BOT, BT, thủy điện, xi măng..v..v.. là những điển hình cho đầu tư công khiến chúng ta phải đau lòng mà suy nghĩ, dù không muốn nghĩ.
Thế mới nói, “đầu tư công” bấy lâu nay được ví như “chùm khế ngọt”, nên mới có chuyện hàng loạt công trình đội vốn lên đến 50 – 70%, thậm chí vượt hơn 100% trong nhiều lĩnh vực.
Dẫu sao, những sự đội vốn đó nó cũng được “lập trình” một cách tinh vi và rất đúng quy trình, rất hợp lý đúng như Đại biểu Bùi Văn Phương phát biểu. Mà nếu địa phương nào cũng được như tỉnh Ninh Bình, thì đố ai dám nói đất nước mình còn nghèo?!