Dự án nhà ở tái định cư N1 - D17 Duy Tân do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư dự kiến bàn giao từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang khiến nhiều người tiếc nuối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nhà ở tái định cư N1 - D17 Duy Tân có chủ đầu tư là UBND quận Cầu Giấy, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án quận Cầu Giấy.
Dự án được khởi công từ năm 2010 với quy mô 02 tầng hầm để xe và 15 tầng nổi trong đó có 1 tầng thương mại và 14 tầng căn hộ được chia làm 4 nguyên đơn. Mỗi nguyên đơn sẽ bao gồm: 05 căn hộ; 02 thang máy cao tốc và 01 thang thoát hiểm. Tổng vốn đầu tư dự án lên đến 223,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2013.
Dự án này được bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Thế nhưng, kể từ sau khi khởi công, dự án này liên tục bị phản ánh vì tiến độ "rùa bò", 2 năm đầu mới hoàn thành phần móng, 2 năm tiếp theo xây được đến tầng thứ 2.
Đáng nói, dù tiến độ không đảm bảo tuy nhiên với lợi thế mặt tiền ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân, ôm trọn hướng nhìn đến công viên Cầu Giấy, giao thông thuận lợi, dự án này còn bị đẩy giá lên gấp nhiều lần.
Thông thường với các dự án nhà tái định cư, mức giá thường giao động 14 - 17 triệu đồng/m2, nhưng thời điểm đầu năm 2018, khi dự án đã gần như hoàn thiện phần thô, đơn vị phân phối là Công ty Bất động sản Phú Hưng (Phú Hưng Land) đã rao bán dự án với giá 27,5 - 30 triệu đồng/m2, tương đương với một chung cư cao cấp ở khu vực này.
Quy trình mua căn hộ được thực hiện theo cách môi giới dẫn khách gặp gỡ chủ nhà, thỏa thuận giá cả và việc đóng tiền chênh. Sau khi chủ nhà hoàn thành thủ tục mua bán căn hộ, chủ nhà sẽ làm hợp đồng nhượng lại suất mua cho khách. Trong khi đó, thực tế thời điểm đầu năm 2018, dự án chỉ mới đang trong giai đoạn bốc thăm căn hộ.
Sôi động chuyển nhượng suất mua là thế, nhưng công trình này vẫn tiếp tục thi công theo kiểu "cho có". Đến đầu năm 2019, dự án còn bị công nhân thi công tại công trình căng băng rôn phản đối, đòi quyền lợi vì UBND quận Cầu Giấy nhiều năm chưa trả tiền cho công nhân.
Ghi nhận thực tế tại dự án, hiện tại công trường đã dừng hoàn toàn mọi hoạt động thi công, tầng 1 tòa nhà bị quây bởi lưới sắt và cây dại. Các vật liệu, máy móc thi công bị phơi sương nắng, rỉ sắt, cỏ mọc um tùm giăng kín lối đi. Mặt sau của dự án đã bị trưng dụng làm bãi đỗ ô tô.
Trao đổi với báo chí trước đó, Ban quản lý dự án này cho rằng, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai do dự án chưa được cấp đủ số vốn theo kế hoạch.
Cụ thể, Ban quản lý dự án cho biết đã đề nghị thành phố Hà Nội bố trí vốn qua các giai đoạn thi công theo năm 2011 là 80 tỷ đồng, từ năm 2012 - 2015 mỗi năm 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch vốn được duyệt cho dự án các năm 2011 là 28 tỷ đồng, 2012 là 27 tỷ đồng, 2014 là 10,957 tỷ đồng, 2015 là 15 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2013, số vốn dự án được duyệt là 0 tỷ đồng khiến dự án phải dừng hoàn toàn.
Dưới đây là những hình ảnh phóng viên ghi nhận tại dự án:
Có thể bạn quan tâm
Đắp chiếu trụ sở nghìn tỷ, TKV làm văn phòng "kiểu container" bên trong dự án
05:00, 10/09/2020
Lò đốt rác 6 tỷ đồng chỉ đốt thử nghiệm rồi “đắp chiếu”
10:59, 29/08/2020
Bộ Công an vào cuộc điều tra dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" của VICEM
19:53, 27/07/2020
Khu dân cư Cồn Tân Lập vì sao “đắp chiếu”?
11:00, 17/06/2020