Áp lực thanh khoản và lãi suất

Diendandoanhnghiep.vn Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng tích cực nhưng tăng trưởng huy động thấp, cho thấy có áp lực về thanh khoản và lãi suất của hệ thống ngân hàng.

Muôn kiểu đua lãi suất

Cuối tuần trước, sau khi đứng im sau đợt tăng lãi suất điều hành lần đầu (23/9) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank đã tăng lãi suất tiết kiệm lên 7,4% cho kỳ hạn 12 tháng, như một điều chỉnh tất yếu sau đợt tăng lãi suất điều hành mới đây (25/10).

4 NHTMCP quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã tham gia cuộc đua lãi suất

4 NH có vốn Nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đã tham gia cuộc đua lãi suất với đợt điều chỉnh mới. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng và phổ biến, đều được các TCTD nhóm Big 4 cộng thêm từ 0,8-1,3%, so với lãi suất mà các ngân hàng đã có đợt điều chỉnh và áp dụng tại tháng 7. Theo đó, hiện lãi suất huy động tại quầy của 4 nhà băng này là 4,9% một năm cho tiền gửi 1 tháng, 5,4% một năm cho 3 tháng, 6% một năm cho 6 tháng, 6% một năm cho 9 tháng và 7,4% cho 12 tháng. Riêng Agribank trả 6,1% một năm cho kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng.

Một khi các ngân hàng nhóm quốc doanh đã vào cuộc đua lãi suất, cơ hội hút tiền gửi của các NHTMCP còn lại tất nhiên yếu hơn. Do đó để cạnh tranh, tất yếu các NHTMCP, nhất là những ngân hàng nhỏ, sẽ phải tăng thêm sức hút bằng cách nâng thêm lãi suất. 

Một loạt ngân hàng đã tung “chiêu” cạnh tranh bằng lãi suất tới mức ngất ngưởng - mức mà được nhiều người gửi tiền nhận định "chỉ có trong thời gian cách đây 10 năm khi mà lạm phát cao khiến lãi suất cũng nâng đỉnh điểm". 

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) có sản phẩm Happy Future với kỳ hạn 9 tháng, trong đó, 3 tháng đầu áp dụng lãi suất ở mức 11%,  6 tháng còn lại lãi suất là 5,95%/năm. Trong trường hợp khách gửi 12 tháng thì 6 tháng đầu có lãi suất 9,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm; kỳ hạn 18 tháng thì 12 tháng đầu có lãi suất 8,9%/năm, 6 tháng sau là 5,95%/năm…

Ngân hàng số Cake by VPBank sau thời gian áp dụng mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (tiết kiệm online) lên đến 9,5%/năm từ 17/10/2022, trở thành tâm điểm chú ý của thị trường vì mức lãi suất cạnh tranh đỉnh với… SCB, đã điều chỉnh xuống còn 8,8%, nhưng vẫn là mức lãi top cao. 

Chưa hết, sau đợt nâng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong vòng 1 tháng của NHNN, VPBank cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings với mức lãi suất tháng đầu lên cao nhất 10,02%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, tháng sau còn 8,35%/năm; ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, tháng sau 8,33%/năm; khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hưởng mức lãi suất tháng đầu là 9,68%/năm, tháng sau còn 8,07%/năm; kỳ hạn gửi 6 tháng có lãi suất 9,17%/năm ở tháng đầu, tháng sau còn 7,65%/năm…

Đối với mức lãi suất 10,5%, đã được Ngân hàng Quốc dân (NCB) áp dụng từ 27/10, khách hàng cá nhân có điều kiện: Gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng, lĩnh cuối kỳ. Khách hàng phải liên hệ với chi nhánh NCB trước khi mang tiền đến gửi.

Các mức lãi suất ở kỳ hạn khác của NCB cũng niêm yết trên biểu cao, tùy kỳ hạn mà dao động từ 8,65-8,95%. 

Ghi nhận cho thấy mức lãi suất từ 8,5% -9,2% đã không còn là "hiện tượng hiếm lạ", vì cũng đang được áp dụng tại nhiều ngân hàng như SCB, MB, HDBank, VietABank, CBBank, Kienlongbank, Bản Việt, SeABank… tùy ngân hàng, chương trình của ngân hàng và các điều kiện đi kèm.

>>> Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất phù hợp với kỳ vọng

Thêm vào đó, bất kỳ dịp lễ nào cũng có thể trở thành lý do để các ngân hàng cộng thêm lãi suất cho khách hàng. Ví dụ dịp như 20/10 vừa qua cũng là “lý do” để ngân hàng biến thành “Tháng của nàng” từ đó tặng quà là mức lãi suất cộng thêm hoặc "quy ra hiện vật". Theo đó, lãi suất huy động thực áp dụng cho các khách hàng có thể còn cao hơn cả biểu niêm yết. 

Lo ngại “vòng lặp kỳ vọng”

Mặc dù các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động với đa dạng lý do cộng thêm lãi suất, đa dạng sản phẩm lựa chọn, và đặt trong bối cảnh mà tìm kiếm tỷ suất sinh lời của chứng khoán - một kênh liên thông với ngân hàng, trở nên rủi ro hơn và khó có thể đạt được được tỷ suất kỳ vọng một cách chắc chắn, các ngân hàng lại vẫn đang eo hẹp thanh khoản.

Theo Phó Thống đóc NHNN Phạm Thanh Hà, điều chỉnh lãi suất đảm bảo hướng tới 4 mục tiêu, nhưng vẫn có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn phù hợp. (Ảnh: DĐDN TV)

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, điều chỉnh lãi suất đảm bảo hướng tới 4 mục tiêu, nhưng vẫn có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn phù hợp. (Ảnh: DĐDN TV)

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tại Họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, cho biết tính đến ngày 25/10 tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%, là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. "Rõ ràng là tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 9 tháng có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm", ông Hà nói.

Bên cạnh đó, ông Hà cũng cho biết mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm là huy động vốn tăng trưởng chậm và hiện nay tốc độ huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.

Điều mà Phó Thống đốc nêu, với việc tăng lãi suất điều hành để kiểm soát tỷ giá, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng và bên cạnh đó là mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống, cũng đã được Thống đốc NHNN trình bày tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. "Việc tăng lãi suất là phù hợp với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn", ông Hà phân tích. 

Đâu đó, rõ ràng lãi suất đầu vào trên thị trường vốn đang được các ngân hàng niêm yết cao, đang gợi lên rất nhiều vấn đề, một chuyên gia chia sẻ. Vị chuyên gia phân tích là đang có lo ngại về vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhưng đáng lo ngại hơn là “vòng lặp kỳ vọng”, khi chính sách tiền tệ đang bị đặt dưới sức ép của các tác động bên ngoài. Cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo lộ trình sẽ còn tăng lãi suất 2 đợt trong năm nay. Vòng lặp kỳ vọng, nếu thị trường không có được tín hiệu hướng dẫn chắc chắn, sẽ tạo kỳ vọng biến động, theo hướng có kỳ vọng lãi suất tăng, tỷ giá tăng, lãi suất tăng, tỷ giá tăng… 

Nếu cung tiền tiếp tục tăng thấp, áp lực thanh khoản và lãi suất tiếp tục duy trì, tổng tài trợ cho nền kinh tế vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào tín dụng (và trước đây là có phần từ trái phiếu doanh nghiệp), và nay ngân hàng có thể còn phải san sẻ gián tiếp từ phía đảo nợ, đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, thì áp lực lên ngân hàng sẽ càng lớn. Chuyên gia cho rằng NHNN thực sự đang phải điều hành chính sách trong bối cảnh biến động, "khó khăn hơn nhiều so với đánh giá vào cuối năm ngoái" như chính Thống đốc phân tích, song một chính sách linh hoạt vẫn cần được giảm thiểu tối đa yếu tố bất ngờ, để hạn chế các kỳ vọng hướng về tương lai trong các giao dịch hiện tại.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Áp lực thanh khoản và lãi suất tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714108270 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714108270 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10