Đến năm 2030, toàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ có 24 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 16.052,66 ha, đồng thời hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển Cái Mép Hạ.
>>>Thúc đẩy quan hệ hợp tác VCCI - Bà Rịa Vũng Tàu, hỗ trợ doanh nghiệp
Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh
Mới đây, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Về phát triển khu công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất quy hoạch 7.242,66 ha; hoàn thành các thủ tục và triển khai đầu tư hạ tầng 4 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch tổng diện tích đất quy hoạch 1.810 ha; bổ sung quy hoạch 7 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới, với tổng diện tích là 6.850 ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là 16.052,66 ha. Hình thành khu thương mại tự do (Free Trade Zone) gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.
Định hướng đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ, cơ cấu đô thị đa trung tâm, với các trung tâm đô thị: Phú Mỹ - Bà Rịa - Long Điền - Long Hải - Vũng Tàu, được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại (hệ thống đường đô thị và các tuyến Metro, MonoRail); hệ thống các đô thị vệ tinh quy mô phù hợp, chất lượng môi trường sống theo tiêu chuẩn đô thị xanh.
Cùng với đó phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành… Bao gồm: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Sông Xoài, Khu logistics Phú Mỹ số 1 tại giao lộ ĐT991 và đường Vành đai 4 TP HCM, Khu logistics Phú Mỹ số 2 tại giao lộ Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP HCM, Trung tâm logistics Bình Ba, hệ thống cảng cạn và một số trung tâm logistcs quy mô vừa và nhỏ khác tại thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng số 54 bến, tổng chiều dài bến gần 23km, tổng diện tích bến là 1.217ha, cỡ tàu lớn nhất ra vào là tàu container 232.494 DWT (24.188 TEU). Trong đó, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được quy hoạch bài bản, trong đó, khu bến Cái Mép là cửa ngõ trung chuyển quốc tế; khu bến Thị Vải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng. Khu vực Cái Mép - Thị Vải chiếm 45 - 50% hàng hóa xuất nhập khẩu và chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước.
>>>Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư
Thu hút công nghiệp "xanh" để phát triển bền vững
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 8.429ha. Trong số này, đã có 13 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu có sức hút lớn với nhiều nhà đầu tư FDI bởi sự đồng bộ hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện. 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh này đã thu hút 20 dự án FDI cấp mới (tăng 5 dự án so với cùng kỳ năm 2022) với tổng vốn đăng ký 751,11 triệu USD (tăng gấp 2,78 lần, tương đương tăng 481,5 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022).
Tỉnh xác định phát triển kinh tế bền vững dựa vào nền công nghiệp “xanh”, thu hút đầu tư có chọn lọc dự án quy mô lớn, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; hình thành các trung tâm logistics.
Để thu hút đầu tư, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ triển khai dự án ưu tiên về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nguồn điện, hóa dầu, khí...; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, tiền thuê đất nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài việc đầu tư hạ tầng “xanh” cho các khu công nghiệp, tỉnh còn chủ động đầu tư nâng cấp và xây mới hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp với cảng biển, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh.
Trước đó vào tháng 6/2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi công xây dựng 2 dự án hạ tầng lớn là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An nối với tỉnh Đồng Nai. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành…Hệ thống đường mới này sẽ hình thành trục giao thông xương sống nối Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh với cụm cảng lớn nhất Việt Nam (Cái Mép - Thị Vải); góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án cầu Phước An được đánh giá là công trình giao thông cấp đặc biệt, giúp kết nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), kết nối các tuyến cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn gần 30km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ và ngược lại.
Có thể bạn quan tâm
Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng vào cảng cạn đầu tiên
16:23, 28/10/2023
Doanh nghiệp cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đồng loạt kiến nghị với Bộ Tài Nguyên Môi trường
12:35, 06/10/2023
Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra 6 nhóm giải pháp để chuyển đổi số năm 2023
17:54, 28/09/2023
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do
16:22, 08/09/2023