Bắc Giang: Tạo cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Diendandoanhnghiep.vn Để hình thành chuỗi liên kết, nâng cao vị thế của nông sản, nhiều doanh nghiệp, HTX tại Bắc Giang đã ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 3,03%, tăng gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra. Đặc biệt, vụ Đông Xuân của tỉnh được mùa toàn diện với sản lượng rau các loại đạt 344 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ, sản lượng vải thiều đạt 215 nghìn tấn cao nhất từ trước đến nay.

Cũng theo ông Thành, toàn tỉnh hiện có khoảng 62 đầu mối ổn định nhằm cung ứng số lượng lớn các loại nông sản thực phẩm cho địa bàn các tỉnh trên cả nước. Hiện thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa của Bắc Giang chiếm 60 - 70% tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn… và một số tỉnh miền Trung, miền Nam.

Sản phẩm na dai Nghĩa Phương được đóng bao bì sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường

Sản phẩm na dai Nghĩa Phương được đóng bao bì sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, Bắc Giang đã khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với nhiều chính sách, ưu đãi; hỗ trợ kinh phí cụ thể với các lĩnh vực như: xây dựng thương hiệu, bao bì đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây nhà lưới, nhà màng, nhà sơ chế, kho lạnh; hỗ trợ xây dựng đường, kênh mương nội đồng…

Theo ông Phạm Công Toản - Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, địa phương đang triển khai đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2019-2021”. Việc triển khai đề án đã giúp hình thành các vùng canh tác quy mô lớn; hàng hoá nông sản dễ dàng kết nối với sản phẩm cùng loại của các địa phương trên cả nước. Nhờ đó, nhiều nông sản của Bắc Giang đã thuận lợi tiêu tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài nước. Đơn cử như mỳ Chũ đã xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia. Hay sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã hình thành vùng canh tác riêng biệt xuất khẩu đi từng thị trường và đang được bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.

Cũng theo ông Toản, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã có 20 nông sản hàng hóa được công nhận đạt tiêu chí cấp tỉnh. Hiện đơn vị đang hỗ trợ 4 HTX gia đề án gồm: HTX sản xuất kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm, HTX mỳ Chũ Dậu Anh, thuộc xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn; HTX na dai Nghĩa Phương, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam; HTX sản xuất na dai Lục Nam, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam. Tỉnh Bắc Giang sẽ hỗ trợ từ 100 triệu - 300 triệu đồng cho một đơn vị tham gia đề án để trang bị máy móc, thiết bị, tem nhãn và bao bì cho sản phẩm.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền – Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ gạo Hiền Phước, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, khi tham gia đề án “Xây dựng và phát triển nông sản hàng hoá đạt tiêu chí cấp tỉnh”, HTX đã được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng để thiết kế bao bì, mẫu mã mới. Nếu như trước kia, các sản phẩm HTX làm ra chủ yếu bán lẻ tại các chợ truyền thống của tỉnh với mẫu mã sơ sài, thì đến nay, sản phẩm mỳ gạo Hiền Phước đã xuất hiện ở các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng lớn. Hiện mỗi tháng, HTX cung cấp từ 35-40 tấn mỳ cho hệ thống siêu thị Fivimart, Hapro và thị trường ở các tỉnh, thành phố như: TP Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh…

Cũng theo bà Hiền, hiện HTX đang hợp tác, liên kết cùng 40 hộ làm mỳ ở xã Nam Dương cùng sản xuất để đáp ứng kịp thời các đơn hàng đã ký.

Còn theo ông Hoàng Văn Hướng - Giám đốc HTX na dai Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, HTX hiện có hơn 34,2ha na dai đang vào vụ với sản lượng ước đạt hơn 200 tấn. Do được cơ quan chuyên môn hỗ trợ bao bì mới và tem truy xuất nguồn gốc nên na tiêu thụ thuận lợi, giá bán từ 28.000-30.000 đồng/kg. Để mở rộng hướng tiêu thụ, phía HTX cũng đang làm việc với một số đơn vị để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Chế biến khoai tây xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco

Công nhân công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco chế biến khoai tây xuất khẩu (Ảnh: Báo Bắc Giang)

Không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đổi mới bao bì sản phẩm, Bắc Giang cũng đang chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng này đã giúp cho giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích ứng dụng công nghệ cao tại Bắc Giang đạt bình quân 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất thông thường từ 2-2,5 lần.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, 5 năm trở lại đây, địa phương đã triển khai xây dựng 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 332 mô hình trồng trọt, 200 mô hình chăn nuôi, 210 mô hình thủy sản, 24 mô hình lâm nghiệp. Các mô hình này đều có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, các nông sản chủ lực của địa phương như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rau sạch Yên Dũng, thịt lợn sạch Tân Yên… đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và trở thành sản phẩm OCOP, được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Lưu Xuân Kiên - Phó Giám đốc HTX rau sạch Yên Dũng cho biết, HTX hiện có khoảng 50ha trồng rau sạch tại các địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Yên Dũng có 20ha trồng rau tại các xã: Tiến Dũng, Tư Mại, Đức Giang. Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng từ 4 -10 tấn rau, củ quả, cho hệ thống siêu thị BigC, Vinmart, với doanh thu từ 55-150 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, HTX còn liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhiều đơn vị sản xuất rau trong tỉnh.

Hiện HTX đã đầu tư xây dựng hơn 1,3 tỷ đồng/mô hình nhà màng 2.000m2, bảo đảm hạ tầng sản xuất đồng bộ, chống giông bão, độ bền hơn 10 năm”, ông Kiên cho biết.

Còn theo ông Trần Đăng Vinh - Giám đốc HTX cây ăn quả Lục Ngạn, nhờ sản xuất sạch, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX được các thương lái đến tận vườn để thu mua. Bên cạnh đó, sản phẩm cam VietGAP của HTX không chỉ có mặt tại các chợ đầu mối mà còn được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. HTX cũng rất chú trọng, tuân thủ quy trình sản xuất sạch để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu khi đưa vào hệ thống các siêu thị và cao hơn nữa là xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco, tiềm năng của nông nghiệp còn rất lớn nhưng phải biết nắm bắt thời cơ, có công nghệ cao và thị trường thì đầu tư vào lĩnh vực này mới thắng lợi. Nhờ chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng như giữ mối liên kết với các đối tác nên từ đầu năm 2021, công ty đã ký đơn hàng trị giá hơn 1 triệu USD xuất khẩu cả năm đối với các sản phẩm: bí đỏ, khoai tây, cà rốt, dưa chuột, vải thiều… sang Hàn Quốc, Nga và các nước Đông Âu.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Tạo cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714313886 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714313886 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10