Ðợt dịch COVID -19 hồi tháng 5 đã làm cho Bắc Giang bị ảnh hưởng khá nặng nề. Sau 1 tháng chuyển sang trạng thái bình thường mới, địa phương quyết tâm dồn lực cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.
Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang bị ảnh hưởng khá nặng bởi dịch COVID-19. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bắc Giang đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Điều này đã đẩy nền kinh tế của Bắc Giang đang có sự hồi sinh đầy ấn tượng.
Tính đến cuối tháng 7/2021, chỉ trong vòng 1 tháng khôi phục lại sản xuất, tỉnh Bắc Giang đã có hơn 2,3 nghìn doanh nghiệp trong và ngoài KCN hoạt động trở lại; hơn 230 nghìn lao động quay trở lại tham gia sản xuất. Một số doanh nghiệp lớn hoạt động trở lại với công suất đạt từ 70% - 80% như: Fuhong, Luxshare, Newwing, Hosiden... Từ đó, đưa giá trị xuất khẩu tháng 7 ước đạt 885 triệu USD, tăng 79,8% so với tháng 6. Bên cạnh đó, trong tháng 7/2021, Bắc Giang đã thu hút được tổng vốn đầu tư khoảng 30,6 triệu USD; tính chung 7 tháng năm 2021, Bắc Giang thu hút được 775,94 triệu USD.
Đây là con số đầy ấn tượng đối với một địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trước đó, vào tháng 5/2021, 4 KCN của Bắc Giang gồm: Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng phải đóng cửa để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch. Thời điểm đó, hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN phải tạm dừng hoạt động; hàng trăm nghìn công nhân không có việc làm.
Việc các doanh nghiệp trong KCN phải tạm dừng hoạt động đã khiến cho hầu hết các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn tại Bắc Giang đều giảm sút. Trong đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm 53,6% so với tháng 4 và giảm 46,9% so với cùng kỳ. Do vậy, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 10,2%, giảm gần 8% so với quý I.
Sau hơn 1 tháng chống chọi với dịch bệnh, từ 1/7, tỉnh Bắc Giang đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Địa phương đã tập trung dồn lực cho các doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động đều có cán bộ y tế địa phương phụ trách và xây dựng mạng lưới tổ an toàn COVID-19 trong từng bộ phận sản xuất. Đồng thời, duy trì đều đặn thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Nhờ đó, các KCN đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại; các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ quan trọng cũng bắt đầu có chuyển biến tích cực.
Đơn cử như tại huyện Việt Yên, địa phương có nhiều KCN với số lượng công nhân thuê trọ lớn. Với mục tiêu xây dựng “Doanh nghiệp an toàn, nhà trọ an toàn, công nhân an toàn”, huyện Việt Yên đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát việc phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu nhà trọ.
Theo đại diện huyện Việt Yên, hiện trên địa bàn huyện có hơn 3.500 hộ kinh doanh nhà trọ với hơn 58.000 phòng trọ an toàn, đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Hiện nay, ngoài công ty Hosiden thuộc KCN Quang Châu, trên địa bàn còn có công ty TNHH Điện tử Rongxin, tập đoàn Luxshare và tập đoàn Foxconn đã ký hợp đồng với hiệp hội nhà trọ để đưa công nhân đến ở.
Không chỉ đảm bảo khu vực nhà trọ an toàn, huyện Việt Yên còn tổ chức các cuộc đối thoại, làm việc với doanh nghiệp để cùng tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tại các cuộc đối thoại, phía doanh nghiệp đã chia sẻ những khó khăn khi quay trở lại hoạt động sau dịch COVID-19 như vướng mắc về nợ xấu, thiết bị máy móc, công tác xét nghiệm sàng lọc, vấn đề tiêm vaccine cho công nhân...
Theo đại diện công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá, công ty đề nghị chính quyền địa phương kết nối với Cục Giao thông đường bộ để hướng dẫn các tuyến kết nối giữa các tỉnh trong mùa dịch. Đồng thời, đề nghị địa phương giảm thời gian xét nghiệm cho công nhân.
Theo ông Lê Hoàng Bách - Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho rằng, để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động, phía các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp. Về phía các doanh nghiệp, cần quản lý tốt công nhân, người lao động; phối hợp xét nghiệm tầm soát theo kế hoạch để đảm bảo phòng, chống dịch.
Theo ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh Bắc Giang, hiện đơn vị đã bám sát các doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án tổ chức nơi cư trú, đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Phía các doanh nghiệp cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc đưa đón công nhân ở vùng an an toàn đến làm việc; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19; ký hợp đồng thuê trọ cho công nhân ở khu vực tập trung…
Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, về cơ bản địa phương đã khống chế được dịch bệnh. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh tại các địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo, bước sang tháng 8/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường. Do vậy, Bắc Giang cần tiếp tục giữ vững thành quả đạt được, tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Cũng theo ông Dương, khi dịch bùng phát, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Thời điểm này, Bắc Giang có cơ hội để bứt phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội do địa phương hiện đang an toàn. Vì vậy, các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, hành động quyết liệt, đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trước dịch.
Theo ông Nguyễn Hữu Phải - Chủ tịch HĐQT công ty CP Tổng công ty May Bắc Giang BGG, phía công ty phải chi trả khoảng 150 triệu đồng tiền lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1,5 nghìn công nhân mỗi tuần. Mặc dù, việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ này làm tăng chi phí cho công ty, song công ty vẫn duy trì đều đặn để đảm bảo an toàn sản xuất.
Ngoài việc đảm bảo an toàn trong các doanh nghiệp sản xuất, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các sở, ngành ứng dụng công nghệ thông tin; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo đại diện công ty TNHH Conkaiser Vina, thuộc KCN Song Khê - Nội Hoàng, công ty nộp đã hồ sơ thay đổi giấy chứng nhận đầu tư trực tuyến nhiều lần từ tháng 5/2021 song không thực hiện được. Đến nay, khi tỉnh Bắc Giang thành lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin từ doanh nghiệp, công ty đã gọi điện trao đổi và được hướng dẫn các bước nộp hồ sơ trực tuyến cho tới khi hoàn thiện.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: “Cảnh báo” loạt dự án nhà ở, khu đô thị chưa được phép mua bán
17:47, 02/08/2021
Bắc Giang: Chính quyền cùng nông dân tìm giải pháp tiêu thụ nông sản
05:02, 27/07/2021
Bắc Giang: Rộng cửa đón nhà đầu tư vào các khu công nghiệp
03:18, 18/07/2021
Bắc Giang: Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất
00:26, 14/07/2021
Bắc Giang: Mở “đường xanh” cho doanh nghiệp sản xuất
08:22, 02/07/2021