Với mục tiêu thu hút khoảng 25 dự án đầu tư mới vào các KCN trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Là địa phương nằm trong tâm dịch COVID-19, song thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn tăng khá. 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 746,87 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Trong đó, tỉnh đã cấp mới 19 dự án trong nước với vốn đăng ký 1.482 tỷ đồng; 10 dự án FDI với vốn đăng ký 601,1 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh cũng điều chỉnh tăng vốn cho 6 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký tăng thêm 70 tỷ đồng; 20 dự án FDI, với số vốn đăng ký bổ sung là 78,29 triệu USD.
Chỉ tính riêng tại các KCN trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, các KCN đã thu hút được 16 dự án đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 816 tỷ đồng và 588 triệu USD. Lũy kế đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 414 dự án với số vốn đầu tư đăng ký đạt 9.900 tỷ đồng và 5,972 tỷ USD.
Cùng nhìn lại thời điểm năm 2020, các KCN tỉnh Bắc Giang thu hút được 30 dự án. Trong đó, có 8 dự án đầu tư trong nước, 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 273,7 tỷ đồng và 344,26 triệu USD. Ngoài ra, còn có 59 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm đạt 538,15 triệu USD và 22,86 tỷ đồng. So với năm 2020, thì con số 16 dự án thu hút được trong 6 tháng đầu năm 2021 là rất đáng ghi nhận trong thời điểm dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Bắc Giang hiện có 6 KCN với tổng diện tích trên 1.300 ha. Trong đó, 4 KCN đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, bao gồm: các KCN Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, thuộc huyện Việt Yên; KCN Song Khê - Nội Hoàng, thuộc huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang. Còn KCN KCN Hòa Phú (huyện Việt Yên) mới lấp đầy khoảng 55% đất công nghiệp; KCN Việt Hàn (huyện Việt Yên) mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào cùng với môi trường đầu tư thông thoáng, các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến đây lập dự án đầu tư kinh doanh. Các dự án đầu tư tại các KCN chủ yếu tập trung ở lĩnh vực: Điện, điện tử, pin năng lượng mặt trời, cơ khí, sản xuất các sản phẩm từ plastic…
Điển hình như KCN Vân Trung, được thành lập từ năm 2007 với diện tích khoảng 351 ha. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy đạt 100% với hơn 130 dự án đầu tư; tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD và hơn 500 tỷ đồng. KCN đã thu hút được một số dự án có nguồn vốn lớn và hoạt động hiệu quả như: sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Vina Cell Technology; sản xuất tai nghe của Công ty TNHH Luxshare ICT …
Hay như tại KCN Quang Châu, KCN này có diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch hơn 420 ha đã thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao như: Dự án công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hong Kong) Limited có trụ sở chính tại Hồng Kông (Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.848 tỷ đồng, tương đương 210 triệu USD, sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm; dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd đầu tư sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD…
Tiếp đà tăng trưởng, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu năm 2022, tỉnh thu hút khoảng 25 dự án đầu tư mới vào các KCN với tổng vốn đăng ký cấp mới khoảng 500 triệu USD, vốn đầu tư tăng thêm khoảng 100 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu này, theo BQL các KCN tỉnh Bắc Giang, công tác xúc tiến đầu tư với các hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm cần phải được chú trọng. Đặc biệt, BQL các KCN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh. Đồng thời, sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Cũng theo BQL các KCN tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước; tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KCN…
Theo ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, để đón làn sóng đầu tư mới, tỉnh Bắc Giang sẽ chú trọng vào điều chỉnh quy hoạch, mở rộng thêm không gian để phát triển công nghiệp. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và có đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.
Cũng theo ông Dương, Bắc Giang sẽ cung cấp hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư như: giao thông, điện, nước, môi trường; cam kết hướng dẫn, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo đúng pháp luật. Đồng thời, Bắc Giang cũng sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch vụ hạ tầng về xã hội cho công nhân lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan như đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, môi trường, đất đai… để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ông Dương cũng đề nghị các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đặc biệt cần gắn bó chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn liên quan đến chế độ, chính sách ưu đãi đầu tư…
Theo đại diện Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tại Việt Nam, nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd, năm 2007, tập đoàn bắt đầu đầu tư vào KCN tại Bắc Giang. Trong quá trình đầu tư, tỉnh Bắc Giang đã đáp ứng kịp thời về quỹ đất, hạ tầng đồng bộ. Điều này đã giúp nhà đầu tư thực hiện nhanh dự án và nắm bắt cơ hội cạnh tranh, không ngừng mở rộng quy mô cũng như thành lập thêm nhiều công ty. Không chỉ vậy, KCN của tỉnh còn thuận lợi về giao thông, kết nối vùng. Điều này đã giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch thêm 23 KCN với tổng diện tích hơn 6.800 ha và mở rộng 3 KCN với tổng diện tích 400 ha; giai đoạn 2030-2050 quy hoạch thêm 6 KCN, tổng diện tích 1.474 ha.
Hy vọng, sự hình thành các KCN sẽ đưa công nghiệp của tỉnh Bắc Giang bứt phá, tạo tiền đề cho sự phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất
00:26, 14/07/2021
Bắc Giang: Mở “đường xanh” cho doanh nghiệp sản xuất
08:22, 02/07/2021
Hành trình đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu EU bằng “Thương mại điện tử xuyên biên giới”
14:00, 29/06/2021
Tiến Nông đồng hành cùng nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều
16:08, 28/06/2021
Vải Thiều Bắc Giang xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post
05:17, 25/06/2021