Bách Hóa Xanh khi nào có lãi?

ĐÌNH ĐẠI 26/11/2022 05:00

Lãnh đạo Bách Hóa Xanh tự tin khẳng định trong quý IV sẽ kinh doanh có lãi, nhưng chuyên gia chứng khoán lại dự báo chuỗi siêu thị này tiếp tục lỗ hàng nghìn tỷ đồng cho đến quý II năm sau.

>>>Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Phát huy “quyền năng tối thượng” của người tiêu dùng

Theo báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 102.816 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.483 tỷ đồng, tăng 4% so với 9 tháng đầu năm 2021. Với kết quả này, MWG hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu, nhưng mới chỉ đạt 55% kế hoạch lợi nhuận năm. Đây là năm đầu tiên kể từ năm 2014, “đế chế” bán lẻ này chỉ hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.

Chuyên gia chứng khoán dự báo Bách Hóa Xanhp/sẽ lỗ 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh: Đình Đại.

Chuyên gia chứng khoán dự báo Bách Hóa Xanh sẽ lỗ 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh: Đình Đại.

Tâm điểm trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn là chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, khi trong quý III, doanh thu của chuỗi này tiếp tục sụt giảm. Cụ thể, trong quý III, chuỗi Bách Hóa Xanh mang về xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tương đương 19,4% tổng doanh thu của MWG, nhưng giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bình quân của Bách Hoá Xanh là 1,36 tỷ đồng/ cửa hàng trong vòng 9 tháng.

Trong năm 2022, MWG đã tái cấu trúc mạnh mẽ chuỗi Bách Hóa Xanh, với việc đóng cửa khoảng 400 cửa hàng, thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, lược bỏ nhóm hàng có hiệu suất kém. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chi phí một lần từ đóng cửa hàng của Bách Hoá Xanh khoảng 264 tỷ đồng và lỗ hoạt động khoảng 866 tỷ trong quý II.

Trong quý III/2022, doanh nghiệp này đã hoàn tất hạch toán những chi phí phát sinh một lần liên quan đến quá trình tái cấu trúc của Bách hóa Xanh. Do đó, lãnh đạo MWG kỳ vọng, lợi nhuận ròng trong quý IV sẽ được cải thiện đáng kể.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG từng nói khả năng trong quý cuối năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ có lời. Vị lãnh đạo này cũng cho rằng, đây sẽ là một bước chuyển rất quan trọng đối với MWG. Đồng thời, khẳng định, năm 2023, câu chuyện hỗ trợ và chia sẻ lợi nhuận từ chuỗi Điện Máy Xanh cho Bách Hóa Xanh sẽ chấm dứt. Bách Hóa Xanh sẽ thật sự mang tiền về đóng góp cho sự phát triển chung của MWG.

Tuy nhiên, trong báo cáo phân tích doanh nghiệp mới đây, VNDirect dự báo Bách Hoá Xanh sẽ lỗ hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 và đến quý II năm sau mới có lãi.

Cụ thể, VNDirect cho biết, sau khi thay đổi layout cửa hàng, Công ty đã tiếp tục đóng cửa hơn 400 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả để tối ưu hóa chi phí vận hành. Tương ứng, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh giảm 19% so với cuối năm 2021 xuống còn 1.727 cửa hàng vào cuối quý III/2022. VNDirect ước tính, doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đạt 1,37 tỷ đồng trong quý III/2022, cao hơn 26,8% so với quý II/2022.

>>>Bách Hóa Xanh “lỡ hẹn” IPO?

Cửa hàng rộng rãi nhưng vắng bóng người mua - Ảnh: Đình Đại.

Cửa hàng rộng rãi nhưng vắng bóng người mua - Ảnh: Đình Đại.

Mặt khác, biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh được duy trì khoảng 25% trong 9 tháng đầu năm 2022 và mức này sẽ tiếp tục được duy trì trong giai đoạn 2022-2024 trong bối cảnh lạm phát gia tăng và MWG vẫn muốn đẩy mạnh doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh.

Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 814 tỷ đồng trong quý III/2022, bao gồm chi phí thanh lý tài sản 229 tỷ đồng và một số chi phí phát sinh khác trong quá trình tái cấu trúc như chi phí hợp đồng cho thuê.

Do đó, VNDirect ước tính khoản lỗ hoạt động của Bách Hóa Xanh khoảng 400 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 600 tỷ đồng hồi quý I/2022. Tổng lỗ của cả năm 2022 của Bách Hóa Xanh theo đó sẽ là hơn 2.000 tỷ đồng.

Với kỳ vọng, doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng để tăng lên mức 1,45 tỷ đồng trong quý IV/2022 và 1,52 tỷ đồng trong 2023, VNDirect ước tính khoản lỗ của Bách Hóa Xanh sẽ đạt khoảng 250 tỷ đồng và tiến tới có lãi trong quý II/2023.

Bách Hóa Xanh không những là tâm điểm trong câu chuyện kinh doanh của “đế chế” bán lẻ MWG, mà còn là cái tên chứa đựng không ít tai tiếng trên thị trường. Còn nhớ, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 hồi giữa năm 2021 vừa qua tại TP.HCM. Trong lúc người dân Thành phố đang căng mình chống chọi với dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải đình trệ; các chợ truyền thống, chợ tự phát cũng phải dừng hoạt động đề phòng dịch. Bách Hóa Xanh là một trong những chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu được hưởng lợi, khi nhu cầu đổ dồn vào các siêu thị, trung tâm thương mại.

Nhưng thay vì chung tay hỗ trợ cho người dân, chuỗi cửa hàng bán lẻ này lại mặc nhiên tăng giá bán các loại hàng hóa thiết yếu, gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận xã hội. Một làn sóng tẩy chay chuỗi cửa hàng này rầm rộ diễn ra trên khắp mạng xã hội, mặc dù khi đó, lãnh đạo MWG cũng như Bách Hóa Xanh đã lên tiếng biện minh cho hành động này, nhưng cũng không lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng.

Một cửa hàng BHX bị quản lý thị trường xử phạt vì bán hàng cao hơn giá niêm yết.

Một cửa hàng BHX bị quản lý thị trường xử phạt vì bán hàng cao hơn giá niêm yết.

Không những vậy, chuỗi cửa hàng này còn liên tục bị người tiêu dùng ở nhiều địa phương tố về việc lừa dối khách hàng. Nhiều video “bốc phốt” nhân viên Bách Hóa Xanh lập lờ giữa giá khuyến mại và giá không khuyến mại và bán hàng cao hơn giá niêm yết liên tục xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Kết quả là nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh ở các tỉnh thành bị Quản lý thị trường xử phạt, trong đó có TP.HCM.

Và mới đây nhất, ngày 21/9 vừa qua, niềm tin của người tiêu dùng đối với chuỗi cửa hàng này lại một lần nữa bị xói mòn, khi Bách Hóa Xanh lại bị “gọi tên” trong loạt phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ trong vụ “Rau VietGap dỏm biến hình vào siêu thị” rúng động dư luận. Cụ thể, Bách Hóa Xanh bị tố vì hành vi đưa hàng Trung Quốc (đã được thay đổi nhãn mác), sau đó dán nhãn VietGap, rồi đưa vào tiêu thụ. Và lại cũng rất nhanh, lãnh đạo của doanh nghiệp này ngay lập tức lên tiếng cho rằng trách nhiệm thuộc nhà cung cấp.

Sự việc lần này cũng nghiêm trọng không kém những lần trước, và chuỗi cửa hàng này cũng phải gánh chịu một làn sóng giận dữ từ người tiêu dùng cả nước. Chắc chắn, sau sự việc lần này, Bách Hóa Xanh lại khiến thêm rất nhiều người tiêu dùng nữa quay lưng. Đây cũng không ngoại trừ là một trong nhưng nguyên nhân khiến doanh thu của chuỗi cửa hàng này tiếp tục sụt giảm. Và nếu như kiểu kinh doanh bất chấp này vẫn tiếp diễn thì việc lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng và để kinh doanh có lãi thì xem ra vẫn còn khá xa.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Phát huy “quyền năng tối thượng” của người tiêu dùng

    Vụ rau VietGAP dỏm vào siêu thị: Phát huy “quyền năng tối thượng” của người tiêu dùng

    05:00, 24/09/2022

  • Bách Hóa Xanh “lỡ hẹn” IPO?

    Bách Hóa Xanh “lỡ hẹn” IPO?

    14:00, 30/09/2022

  • WinMart “ngược lối” Bách Hóa Xanh

    WinMart “ngược lối” Bách Hóa Xanh

    02:00, 21/07/2022

  • DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Bách Hóa Xanh đang đóng cửa hàng “đúng lộ trình”?

    DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Bách Hóa Xanh đang đóng cửa hàng “đúng lộ trình”?

    05:05, 17/07/2022

  • Mở rộng chuỗi nhà thuốc, MWG có tránh được “vết xe đổ” của Bách Hóa Xanh?

    Mở rộng chuỗi nhà thuốc, MWG có tránh được “vết xe đổ” của Bách Hóa Xanh?

    05:15, 16/07/2022

  • MWG mở đường cho chuỗi Bách Hóa Xanh IPO

    MWG mở đường cho chuỗi Bách Hóa Xanh IPO

    08:00, 01/06/2022

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bách Hóa Xanh khi nào có lãi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO