Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc đã làm chúng ta liên tưởng tới cuộc xung đột thương mại toàn cầu trong thời kỳ Đại suy thoái.
Đạo luật thuế quan Smoot - Hawley
Thời đó, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã ký Đạo luật thuế quan năm 1930, thường được gọi là đạo luật Smoot-Hawley. Theo đó, Mỹ đã nâng thuế quan vốn đã ở mức cao đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu.
Cụ thể theo đạo luật Smoot-Hawley, Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu đối với gần 900 mặt hàng, từ đường và trứng tới kẹp quần áo và thùng hình ống. Thuế quan đối với hàng nhập khẩu đã tăng từ khoảng 15%-25% lên hơn 40%. Sau đó, các quốc gia khác đã trả đũa quyết liệt đối với Mỹ.
Động thái này của Mỹ đã mở đường cho sự lây lan của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Theo đó, thế giới đã phải mất nhiều thập kỷ để khắc phục thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 27/07/2018
16:30, 25/07/2018
17:39, 20/07/2018
11:10, 20/07/2018
04:30, 20/07/2018
13:51, 19/07/2018
11:14, 15/07/2018
Trong hai năm sau khi ban hành luật Smoot-Hawley, khối lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Mỹ giảm khoảng 40% khi các đối tác thương mại trả đũa bằng thuế quan của chính họ. Các nhà sản xuất nước ngoài cắt giảm hoặc ngừng vận chuyển các lô hàng tới Mỹ vì không còn lợi nhuận khi bán tại thị trường này.
Một số nhà xuất khẩu Mỹ đã phải chi trả nhiều hơn cho các nguyên liệu nhập khẩu mà họ sử dụng để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa, và phải đối mặt với các rào cản thương mại cao hơn ở nước ngoài. Nông dân Mỹ, những người đáng lẽ được hưởng lợi từ Smoot-Hawley, phải chứng kiến xuất khẩu nông sản giảm mạnh.
Tương quan với thuế quan của Trump
Cho đến nay, Trump đã áp thuế nhập khẩu thép, nhôm, máy giặt và tấm pin mặt trời đối với hầu hết các nước trên thế giới. Ông cũng áp thuế đối với 34 tỷ USD các sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất cả chỉ chiếm khoảng 5% tổng hàng nhập khẩu của Mỹ. Trong khi đó, năm 1930, khoảng 1/3 hàng nhập khẩu của Mỹ đã phải chịu thuế. Tuy nhiên, nếu Trump tăng thuế đối với hầu như tất cả các mặt hàng của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ như ông đã đe dọa, sẽ nâng tỷ trọng hàng nhập khẩu chịu thuế lên khoảng 25%.
Cũng giống như trong quá khứ, những người được hưởng lợi từ thuế quan cũng là những người bị tổn thương, chẳng hạn như Whirlpool Corp. và Harley-Davidson Inc., những công ty hứng chịu thiệt hại trực tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Chính quyền Trump cũng phải sử dụng Cơ quan Tín dụng Hàng hóa, một cơ quan được thành lập trong thời kỳ Đại suy thoái, nhằm hỗ trợ giá cây trồng, triển khai gói tài trợ trị giá 12 tỷ USD để bồi thường cho nông dân Mỹ, những người mà các mặt hàng xuất khẩu của họ bị đánh thuế quan trả đũa từ các quốc gia khác.
Nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế
Sự bùng nổ của chủ nghĩa bảo hộ trong những năm 1930 gần như đã làm tê liệt hệ thống thương mại toàn cầu vào thời điểm đó. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế không nghĩ đó là lý do khơi mào cho cuộc Đại suy thoái. Thay vào đó, họ đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thay vì giảm giá USD để giúp xuất khẩu của Mỹ duy trì tính cạnh tranh, FED đã làm ngược lại bằng cách tăng lãi suất quá cao, ngay cả khi thị trường chứng khoán sụt giảm, các ngân hàng bị phá sản và nền kinh tế sụp đổ, khiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới khoảng 25%. Đó là một sai lầm ngớ ngẩn mà các nhà hoạch định chính sách ngày nay sẽ không phạm phải.
Dù các ngân hàng trung ương có đủ sự khôn khéo để tránh một cuộc khủng hoảng khác, nhưng họ không thể bù đắp hoàn toàn các tác động tiêu cực từ một cuộc chiến thương mại bằng cách cắt giảm lãi suất. Một cuộc xung đột thuế quan kéo dài có thể làm tăng lạm phát, làm chậm tăng trưởng kinh tế và trong một kịch bản xấu nhất, sẽ khiến Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái.