Bất cập quy hoạch rừng tại Hà Nội

NGUYỄN GIANG 23/08/2023 00:30

TP.Hà Nội có khoảng 28.000 ha rừng chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa và đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác. Những bất cập này đang là rào cản phát triển kinh tế xã hội…

>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội đã khắc phục vi phạm thế nào?

hiihihi

Một khu vực được cho là đang vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội

Quy hoạch có nhiều sai sót

Theo UBND TP. Hà Nội, 7 huyện, thị xã có rừng tại Hà Nội là Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và TX Sơn Tây do thiếu cơ sở dữ liệu về đất đai, chưa được cắm mốc, lập bản đồ số hóa nhiều năm nay dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây cũng là “nút thắt” suốt hàng chục năm qua nhưng TP. Hà Nội chưa thể “tháo gỡ”, và hiện còn được cho là điểm nóng của vi phạm đất đai, và cũng là rào cản trong việc phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.

Điển hình như tại Huyện Sóc Sơn, địa phương này là một trong 7 huyện, thị xã đang có diện tích rừng chưa được cắm mốc và bị chồng lấn với các loại đất khác. Năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội đã thanh tra quá trình sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn và đã ban hành kết luận, trong đó chỉ rõ sai sót việc lập quy hoạch rừng năm 2008 chồng lấn lên đất ở của người dân.

Cụ thể, thôn Minh Tân, xã Minh Trí là một trong những khu vực dân cư bị đưa vào quy hoạch rừng năm 2008. Thôn rộng hơn 1.115 ha, trong đó gần 700 ha đất rừng được giao khoán, 290 ha đất vườn quả, còn lại là các loại đất xây dựng công trình văn hoá, trường học, giao thông...

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hòa cho biết, năm 1985, theo chủ trương phủ xanh đất trắng đồi trọc của nhà nước, khoảng 100 hộ gia đình các xã của huyện Sóc Sơn đã tới khu Đồng Đò lập nghiệp, trồng rừng. Năm 2019, khi cơ quan chức năng thanh tra, người dân mới "ngã ngửa" khi biết toàn bộ khu dân cư nằm trong quy hoạch rừng năm 2008.

"Không ai tới điều tra, hỏi han gì chúng tôi khi làm quy hoạch năm 2008. Trong khi thời điểm đó, dân đã ở khu vực Đồng Đò hơn 20 năm với đầy đủ bộ máy chính quyền cơ sở như bí thư, trưởng thôn và hệ thống trường học", ông Hòa nói.

Sau gần 40 năm, từ 100 hộ dân ban đầu, hiện thôn Minh Tân có khoảng 200 hộ. vị Trưởng thôn cho biết số dân đông hơn, nhiều gia đình nhiều thế hệ nhưng vẫn phải chung hộ khẩu vì chính quyền không cho tách từ khi có quy hoạch 2008.

Cũng do nằm trong quy hoạch rừng nên hạ tầng đường, điện xuống cấp không được đầu tư, có hộ gia đình không có điện dùng. Việc tu sửa, xây dựng nhà cửa là vi phạm vì nằm trong quy hoạch nhưng để đảm bảo điều kiện sinh sống nên người dân vẫn phải xây.

Theo tìm hiểu của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ngày 29/5/2008, tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Dự án “Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội”, trong đó đưa toàn bộ 4.557ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 11 xã đồi gò và Lâm trường Sóc Sơn (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội) thuộc huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều nội dung quy định trong quy hoạch rừng sau 15 năm vẫn chưa được triển khai, như: Chưa thực hiện công tác thu hồi đất của tổ chức, hộ gia đình nằm xen kẽ trong rừng; chưa giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân... Hơn nữa, ranh giới quy hoạch rừng năm 2008 bị trùng lấn với 387,5ha đất quốc phòng, an ninh; 39,45ha đất trường học, trụ sở cơ quan nhà nước; 5,81ha đất tôn giáo, tín ngưỡng; 510,39ha đất ở của 2.634 hộ dân (có trước quy hoạch rừng)…

>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này?

hihihihi

Sở Sở NN và PTNN Hà Nội đã tham mưu cho thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo địa bàn có rừng rà soát, cắm mốc, số hoá toàn bộ diện tích và giao ngành nông nghiệp quản lý

Cần sớm thống nhất để điều chỉnh

Thừa nhận những sai sót trong việc thiếu cơ sở dữ liệu đất đai khi lập quy hoạch rừng, tháng 2/2023, TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch 57, trong đó yêu cầu cụ thể các địa phương có rừng thực hiện số liệu thống kê những bất cập, tồn tại trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường 2008 làm cơ sở đề xuất cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch rừng phù hợp với tình hình thực tế.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Hà Nội có khoảng 28.000ha rừng trên địa bàn 7 huyện, thị  chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa. Đất rừng đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác như đất tôn giáo, đất quốc phòng, trường học, làng xóm của người dân gây nhiều bất cập như người dân không được thực hiện các quyền của mình trên đất theo đúng Luật Đất đai. Chính vì vậy, đầu năm 2022, Sở đã tham mưu cho thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch chỉ đạo địa bàn có rừng rà soát, cắm mốc, số hoá toàn bộ diện tích và giao ngành nông nghiệp quản lý.

Tuy nhiên, đã hơn một năm, việc rà soát chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải quyết tồn tại chồng lấn giữa đất rừng và đất khu dân cư ở một số địa bàn.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, rõ ràng, việc lập quy hoạch rừng phòng hộ của TP. Hà Nội để xảy ra chồng lấn với các diện tích đất khác, đặc biệt là đất ở của người dân là lỗi của chính quyền. Theo luật sư Biên, những tồn tại này cần sớm được tháo gỡ để ổn định cuộc sống cho người dân. 

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên cho biết, Luật Quy hoạch đã quy định rất rõ thời hạn thực hiện quy hoạch là 3 năm.

“Sau 3 năm, Nhà nước không thực hiện nội dung quy hoạch thì phải điều chỉnh lại hoặc hủy bỏ quy hoạch, phục hồi quyền lợi hợp pháp của người dân nằm trong diện bị quy hoạch. Tuy nhiên, điều này chưa được các cơ quan quản lý thực thi đúng quy định”, luật sư Biên nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội tiếp tục “phản pháo” kết luận thanh tra

    Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội tiếp tục “phản pháo” kết luận thanh tra

    00:29, 24/07/2022

  • Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội đã khắc phục vi phạm thế nào?

    Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội đã khắc phục vi phạm thế nào?

    03:50, 23/07/2022

  • Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này?

    Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Ai đồng ý “chủ trương” này?

    11:00, 07/07/2022

  • Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Cần hình sự hóa để xử lý tận gốc

    Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Cần hình sự hóa để xử lý tận gốc

    04:00, 03/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bất cập quy hoạch rừng tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO