Theo các chuyên gia, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là vào lĩnh vực hạ tầng sẽ có tác động nhất định đến khả năng phục hồi của thị trường bất động sản năm 2024.
>>Bất động sản Việt Nam lọt "mắt xanh" khối ngoại
Kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là nền tảng đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, theo các chuyên gia kinh tế, hạ tầng giao thông có tác động lan tỏa lớn, mức độ tác động từ 1,26 - 1,4 lần. Có nghĩa rằng đầu tư 1 đồng cho giao thông sau đó có thể thu về 1,25 - 1,4 đồng và tác động đến mọi lĩnh vực, từ bất động sản đến giáo dục, văn hoá.
Thực tiễn thời gian qua, ở các khu vực được đẩy mạnh đầu tư công với loạt dự án hạ tầng trọng điểm luôn là điểm nóng thu hút dòng tiền của nhà đầu tư, thị trường bất động sản khu vực đó sẽ được hưởng lợi lớn, giá tăng lên, thanh khoản sản phẩm dễ dàng hơn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, điều dễ dàng nhận thấy, ở khu vực phía Nam, các tuyến đường vành đai, cao tốc đã tạo ra xu hướng xây dựng đô thị ly tâm phát triển, bởi hiện nay chi phí cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều. Từ đó, mở ra cơ hội cho tỉnh Bình Dương, Long An hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của Tp. Hồ Chí Minh.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Kiệt cho biết hệ thống tuyến metro đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông Tp. Hồ Chí Minh. Các dự án mọc theo metro đã có mức tăng giá rất cao, từ 50 - 70%. Cá biệt, có dự án tăng gần 150%.
Đồng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, quỹ đất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM dường như đã cạn. Song vừa qua, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh. Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia. Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai.
Lấy dẫn chứng tại khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chỉ rõ: Thị trường bất động sản hiện vẫn còn nhiều khu vực giàu tiềm năng nhờ tốc độ tăng trưởng về giá khá tốt.
Trong đó, phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Tại đây có hạ tầng giao thông mở rộng như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy... Hiện quy hoạch dự kiến tuyến metro 1, metro 8 sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa với kỳ vọng kết nối phía Đông với trung tâm thành phố Hà Nội.
Phía Bắc Hà Nội được hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 2, Vành đai 3 và có nhiều cầu lớn như cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và sắp tới là cầu Tứ Liên... Đây cũng là nơi quy hoạch tập trung nhiều dự án của các khu đô thị lớn như: Sóc Sơn được dự kiến là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.
>>Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
Theo các chuyên gia, dù thị trường bất động sản 2024 còn nhiều thách thức nhưng với sự phục hồi của nền kinh tế, sự phát triển của cơ sở hạ tầng sẽ góp phần cải thiện thu nhập của người dân, từ đó tác động tích cực lên thị trường.
Tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024” diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024 đó là phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục đưa vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.
Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; phát triển hạ tầng đường sắt, hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, để giải quyết các nút thắt làm suy giảm thị trường bất động sản hiện nay cần đẩy mạnh đầu tư công, trong đó đặc biệt tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng còn dở dang.
“Trong bối cảnh đặc biệt thì cần có giải pháp đặc biệt; trong đó cần thay đổi các quy định về đầu tư công, có các chính sách như đặt hàng tư nhân, tập đoàn kinh tế lớn thay vì để cơ quan nhà nước triển khai theo quy trình truyền thống thì mới có thể đẩy nhanh tốc độ, đạt hiệu quả như mong muốn” – ông Cường nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới cần sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục khởi công dự án, các hồ sơ, thủ tục đầu tư cần được sớm chuẩn bị. Tiếp đó, phân bổ nguồn vốn đầu tư công sớm tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh nhanh giá cả theo giá thị trường. Một số vật tư nguyên liệu tăng giá, các doanh nghiệp chờ đợi điều chỉnh giá từ cơ quan chức năng. Cùng với đó, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, giải quyết các vướng mắc tại một số địa phương, một số dự án khó khăn về nguồn vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản Việt Nam lọt "mắt xanh" khối ngoại
02:00, 02/02/2024
Cần giải pháp “cứu” doanh nghiệp xây dựng, bất động sản Quảng Nam
10:47, 01/02/2024
Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng năm 2024
05:00, 01/02/2024
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Minh bạch thị trường condotel
03:30, 31/01/2024