Những lùm xùm xung quanh các dự án bất động sản du lịch Đà Nẵng chưa có hồi kết thì mới đây, nhiều chủ đầu tư liên tục tung ra các chiêu mới nhằm “vực dậy” thị trường.
Sau thời gian “ngủ đông” vì thị trường trầm lắng và ảnh hưởng của dịch COVID-19, mới đây, chủ đầu tư nhiều dự án condotel tiếp tục rao bán căn hộ với chính sách hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư. Nhưng đằng sau ẩn chứa nhiều bất lợi cho người mua.
Lợi nhuận “bỏ ngỏ” sau 3 năm
Theo chính sách bán hàng được ban hành vào cuối tháng 5/2020, Chủ đầu tư dự án Wyndham Soleil Đà Nẵng cam kết trả lợi nhuận 8%/năm trong 3 năm cho khách hàng mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh căn hộ condotel tòa Ethereal (tòa D).
Theo đó, sau khi khách hàng thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng mua bán căn hộ (bao gồm VAT và chưa bao gồm kinh phí bảo trì) thì thời gian tính lợi nhuận cam kết là trong vòng 36 tháng từ thời điểm trên.
Đáng nói, hết thời gian 36 tháng khách hàng chỉ được nhận mức lợi nhuận với tỉ lệ 75%; Công ty sẽ nhận được mức lợi nhuận với tỉ lệ 25% theo tỉ lệ khai thác thực tế sau khi trừ các khoản thuế, phí quản lý, vận hành… Và việc thanh toán lợi nhuận được thực hiện theo kì hạn 1 lần/năm, thời hạn thanh toán trong vòng 60 ngày kể từ khi các bên liên quan hoàn tất báo cáo tài chính theo qui định của Bộ Tài chính.
Thêm vào đó, do không hình thành đơn vị ở nên chủ đầu tư dự án Wyndham Soleil Đà Nẵng sẽ “khuyến mãi” cho khách hàng được hưởng 10 đêm miễn phí/năm tại căn hộ do họ sở hữu.
Được biết, Chủ đầu tư dự án Wyndham Soleil Đà Nẵng là Công ty CP PPC An Thịnh Đà Nẵng, dự án có vị trí tại Lô A6, góc đường Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà bao gồm 4 toà tháp: 1 toà khách sạn và 3 tòa căn hộ condotel cao từ 50 – 57 tầng.
Trong đó, số lượng căn hộ condotel là hơn 3.000 căn và giá mỗi căn hộ giao động từ 60 - 100 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm các loại thuế phí), tương đương từ hơn 2 tỷ đồng/căn đến trên 15 tỷ đồng/căn tùy diện tích.
Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu tiên các chủ dự án “tung chiêu” cam kết lợi nhuận. Khác với trước đây, lợi nhuận có thể lên đến 10-12%/năm tùy nào năng lực khai thác của các đơn vị vận hành, tuy nhiên diễn biến trên đã có nhiều cách thức thay đổi khiến người mua không khỏi e dè.
Điểm danh thị trường condotel từ đầu năm 2020 đến nay, tại TP Đà Nẵng và các tỉnh thành trên cả nước xảy ra tình trạng khách hàng mua căn hộ condotel nhiều dự án tại Hạ Long, Quy Nhơn, Sầm Sơn… và điển hình tại dự án Cocobay Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã liên tục đem băng rôn đến khu vực dự án, văn phòng để phản đối chủ đầu tư đơn phương chấm dứt cam kết lợi nhuận 12%/năm.
Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, khách hàng đã cáo buộc chủ đầu tư các dự án trên trốn tránh trả nghĩa vụ tài chính đã cam kết trong hợp đồng với nhiều lý do như: “Chưa hoàn thành báo cáo tài chính”, “chưa thu xếp được vốn” hay “ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”… khiến khách hàng phải chờ đợi trong vô vọng.
Cung đã vượt cầu
Hiện tại thị trường condotel cũng trong tình trạng thừa cung. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2019, quỹ căn hộ du lịch (condotel) trên cả nước có khoảng trên 30.000 căn nhưng số lượng đưa vào vận hành thực tế chỉ bằng 1/3.
Còn theo trang batdongsan.com.vn, tính riêng tại thị trường Đà Nẵng Quý I/2020 cho thấy bất động sản nghỉ dưỡng (condotel) trầm lắng rõ rệt khi mức độ quan tâm giảm 14%, lượng tin đăng giảm 3% và giá rao bán condotel trung bình giảm 3% so với Quý IV/2019; đặc biệt, mức độ quan tâm cũng giảm mạnh tại các tại tỉnh thành chính như Đà Nẵng (-24%), Khánh Hòa (-14%) và Vũng Tàu (-19%).
Lý giải nguyên nhân, trang thông tin trên chỉ rõ thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã trải qua một thời kì đầy “cam go” từ cuối Quý IV/2019 và khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến lượng khách du lịch nội địa và quốc tế sụt giảm mạnh, cộng vào đó niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một số chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận khiến thị trường trên bị khủng hoảng là điều dễ nhận thấy.
Báo cáo mới nhất của Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến trong Quý I/2020 khoảng hơn 1.859 tỉ đồng, lũy kế đến Quý II/2020, dự kiến tổng thiệt hại là 5.672 tỉ đồng.
Từ những thiệt hại trên, ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Trung Tín (Trung Tín Group) chia sẻ: “Việc vận hành, cho thuê căn hộ condotel phụ thuộc vào lượng khách du lịch đến TP Đà Nẵng và khi ngành du lịch bị ảnh hưởng thì vấn đề vận hành chuỗi hệ thống trên bị ảnh hưởng là điều đương nhiên”.
Cũng theo ông Tuấn, việc khai thác vận hành loại hình căn hộ du lịch hiện tại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát như: an toàn PCCC, an ninh trật tự, thuế… Thực tế, những căn hộ du lịch trên xuất phát điểm là đất sản xuất kinh doanh cho nên mọi hoạt động kinh doanh du lịch chính quyền chỉ được cấp phép cho chủ đầu tư. Do đó, chủ căn hộ muốn kinh doanh loại hình này phải có sự thỏa thuận với chủ đầu tư.
"Nhưng thực tế hiện nay cho thấy mâu thuẫn giữa chủ đầu tư dự án và chủ căn hộ đã và đang phát sinh nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được, vậy nên việc khai thác và vận hành loại hình căn hộ du lịch đang là “bài toán” khó không chỉ đối với chủ đầu tư, khách hàng mà cả với đơn vị quản lý nhà nước" - ông Tuấn cho biết.
Có thể bạn quan tâm
17:39, 03/04/2020
11:30, 21/03/2020
09:54, 05/03/2020
06:00, 05/05/2020
06:30, 02/05/2020
15:00, 29/04/2020