Trong thời kỳ khó khăn, nhiều chủ đầu tư dự án đã lâm cảnh "bán tháo" tài sản để "nuôi quân", hay dốc toàn lực để đầu tư dự án tuy nhiên kết quả lại khiến họ lao đao.
>>Môi giới bất động sản "rụng như sung"
Trong cuộc trò chuyện với PV mới đây, một “ông lớn” chủ đầu tư với nhiều dự án bất động sản quy mô tầm cỡ tại khu vực miền Trung ngao ngán: “Chắc tôi không làm bất động sản nữa vì nản lắm rồi. Thị trường hiện nay gần như “đóng băng”, hàng bán không được trong khi ngân hàng “đóng room”, cơ chế chính sách thay đổi... Nhiều dự án mà tôi đầu tư bị “ngâm” từ năm này qua năm khác trong khi khách hàng thúc giục, thậm chí khiếu kiện, tụ tập đông người gây sức ép”.
Cũng trong những ngày này, Giám đốc một sàn giao dịch đang phải “ăn chờ, nằm chực” tại một tỉnh phía Bắc để chờ chủ đầu tư dự án mà anh tham gia phát triển “chạy tiền” trả lại cho mình.
Anh kể rằng, cuối năm 2019, qua tìm hiểu anh tham gia phát triển dự án với chủ đầu tư nói trên và góp vào 25 tỷ đồng để được chủ đầu tư ký hợp đồng độc quyền nhưng khi làm lễ giới thiệu dự án, một công ty bất động sản khác đến ngăn cản và cho biết công ty đã góp vào dự án này hơn 60 tỷ. Lúc làm việc với chủ đầu tư, họ giấu thông tin này nên đơn vị mới ký hợp đồng. Sau buổi lễ giới thiệu dự án đó, phía công ty kia gửi đơn thư tố cáo làm đơn vị “ôm không được, mà bán cũng không xong” trong khi chủ đầu tư thì hứa hẹn đủ điều.
“Hơn 3 năm qua, vì “lâm” vào dự án này mà nhà cửa, xe cộ cũng lần lượt “đội nón ra đi”, thậm chí còn bị Công an mời lên làm việc do nhà đầu tư gửi đơn nói chúng tôi huy động vốn trái phép. Bất động sản kéo tôi lên giờ cũng chính bất động sản dìm tôi xuống”, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tâm tư.
Không chỉ các chủ đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp mệt mỏi với bất động sản. Trong thời gian qua, các nhà đầu tư cũng đang “quay lưng” với thị trường.
Lãnh đạo một sàn giao dịch tại Đà Nẵng cho biết, công ty có tham gia phân phối một dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, thậm chí có cả quyết định công nhận đủ điều kiện mở bán của cơ quan chức năng.
“Hiện nay để tìm một dự án đầy đủ pháp lý như trên là rất khó – thậm chí như “mò kim đáy bể” nên khi được sự đồng ý của chủ đầu tư, chúng tôi hăng say bắt tay vào làm việc ngay với hy vọng đủ nguồn lực để “nuôi quân”, duy trì công ty nhưng đã hơn một tháng qua, toàn dự án vẫn chưa bán được một lô nào. Thị trường quá khó khăn, giới đầu tư và khách hàng im tiếng nên chúng tôi gần như “bí” đầu ra” - người này thở dài.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy tình trạng hẩm hiu – nếu không muốn nói là quay lưng của nhà đầu tư đối với thị trường. Công bố mới nhất của DKRA Group cho thấy, trong quý 1/2023, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận rơi vào trạng thái trầm lắng, thanh khoản ở mức thấp.
Cụ thể, phân khúc đất nền trong quý 1 chỉ ghi nhận 2 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 33 nền, giảm đáng kể so với cùng kỳ 2022, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 15%, chỉ bằng 2% so với cùng kỳ năm trước. Phân khúc căn hộ cũng không khá hơn khi toàn thị trường chỉ ghi nhận 2 dự án mở bán với nguồn cung mới khoảng 126 căn, giảm 28% so với quý trước và tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng 23%, giảm 33% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nguồn cung mới nhà phố/biệt thự sụt giảm đáng kể, quý 1/2023 chỉ có 1 dự án mở bán với khoảng 12 căn, chỉ bằng 18% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 42%, giảm 86% so với quý 1/2022. Đây là mức tiêu thụ thấp nhất trong 5 năm qua.
Chia sẻ với phóng viên Diễn Đàn Doanh Nghiệp, một nhà đầu tư kỳ cựu ở thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam cho biết thời đỉnh cao của bất động sản tức là lúc thị trường nóng sốt cực đỉnh, mỗi ngày giao dịch mua và bán của anh có lúc lên đến gần 100 tỷ ngày. Nói ra có thể nhiều người không tin nhưng lại là sự thật, anh cho biết, anh đặt cọc mua 30 lô đất mỗi lô anh cọc từ 500 triệu đến 1 tỷ. Mỗi thương vụ gần như anh cọc nguyên block và bán lẻ hoặc bán sỉ cho nhà đầu tư khác, chưa kể anh nhận cọc từ các lô khác hay nhà phố, nên một ngày của anh giao dịch cả trăm tỷ là chuyện bình thường.
Anh cũng chia sẻ thêm mình đã sớm nhận thấy sự phát triển quá bất thường của thị trường bất động sản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể làm tiêu tán sự nghiệp bấy lâu nếu mình không biết kiềm chế lòng tham. Cho nên, sau các thương vụ sang tay tất toán sản phẩm đã xuống tiền đầu tư, chỉ giữ lại vài mảnh có tiềm năng và nhà vị trí đẹp để dành, anh quyết định rút khỏi thị trường để dồn vốn vào việc khác.
“Đến giờ ngẩm lại mình thấy rằng quyết định dừng lúc đó là chuẩn xác, nếu tiếp tục thì không biết bây giờ sẽ như thế nào,” anh này chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm