Những thất bại liên tiếp gần đây của Nga tại chiến trường Ukraine như liều thuốc thử cho toàn bộ di sản ngoại giao Trung - Nga.
>>Liên minh Nga - Trung nhìn từ Ukraine
Cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du đầu tiên sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19. Ông Tập Cận Bình sẽ tới các quốc gia Trung Á và dự hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tâm điểm sẽ là cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga Putin.
Trong bối cảnh hiện tại, đây không khác gì cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo các cường quốc đang nắm một cực đối trọng trên bàn cờ chính trị toàn cầu. Trước đó, các nhà ngoại giao con thoi đã thảo luận hành lang, ông Lật Chiến Thư, Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, cánh tay phải của ông Tập, đã gặp gỡ Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Vyacheslav Volodin, tại Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông - Vladivostok.
CNN sau đó dẫn lời từ Quốc hội Nga rằng: “Trung Quốc hiểu và ủng hộ Nga trong các vấn đề đại diện cho lợi ích quan trọng của nước này, đặc biệt là về tình hình ở Ukraine.”
Còn Tân Hoa Xã trích dẫn: “ông Lật Chiến Thư bày tỏ sự sẵn sàng của Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Nga để ủng hộ nhau một cách vững chắc về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm chính của nhau”.
Cuộc gặp cấp cao nhất Nga - Trung đang gây sự chú ý lớn. Về tổng quan, Bắc Kinh được coi như là quốc gia lớn nhất còn giữ thiện chí với Kremlin. Chương trình nghị sự giữa 2 bên chưa được tiết lộ, nhưng theo giới quan sát “Ukraine” sẽ là từ khóa chủ đạo.
Trước khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, quan hệ Nga - Trung trên đà tiến triển, đôi bên tuyên bố thúc đẩy hợp tác “không giới hạn”. Đối với văn hóa Trung Quốc mà nói, khái niệm này còn sâu rộng hơn cả ngôn ngữ ngoại giao nồng ấm nhất.
Nhưng, thất bại liên tiếp gần đây của Nga tại chiến trường Ukraine như liều thuốc thử cho toàn bộ di sản ngoại giao Trung - Nga, gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan với Bắc Kinh - nên hay không tiếp tục ủng hộ đồng minh? Một nước Nga thất trận sẽ sinh ra một đồng minh kém hiệu quả, thậm chí là gánh nặng!
Chiều ngược lại, nếu vị thế Nga ngày càng xấu đi, họ sẽ tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc, buộc lòng Bắc Kinh phải có động thái đủ liều lượng. “Trường hợp không tìm ra giải pháp, chúng ta có thể thấy mối quan hệ đối tác Trung - Nga trở nên căng thẳng hơn nhiều so với tưởng tượng của nhiều nhà phân tích”, giáo sư Hal Brand, Đại học John Hopkins cho biết.
Đương nhiên, không ai muốn chọn bên thua cuộc và bất ổn chính trị nội bộ ở Nga sẽ phá hỏng công sức xây dựng đối tác chiến lược mà ông Tập đã đầu tư rất nhiều. Mặt khác, ông Tập đang ở thời điểm nhạy cảm chính trị trước nhiệm kỳ thứ 3; cố gắng tránh tối đa mâu thuẫn với Mỹ.
Với các quốc gia trong tổ chức SCO, bao gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan, Hội nghị Thượng đỉnh lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các thành viên chủ chốt.
Trung Quốc có lợi ích khổng lồ ở Trung Á, vừa là chủ nợ, vừa là nhà đầu tư, tài trợ; chủ thể khai thác tài nguyên thiên nhiên; hành lang bảo vệ an ninh qua ngõ tự trị Tân Cương.
Hàng loạt biến động ở châu Âu hối thúc Bắc Kinh siết chặt hơn quan hệ với Trung Á, khả năng bại trận của Nga cũng đặt ra thách thức với Trung Quốc trong việc duy trì tầm ảnh hưởng tại khu vực.
Mỹ đã rút khỏi Afghanistan, để lại một khoảng trống. Nga bận tâm đến Ukraine. Trung Quốc nhận thấy cơ hội mở rộng ảnh hưởng và đa dạng hóa các tuyến đường thương mại sang châu Âu rất cần sự hợp tác của Trung Á.
Trong khi đó, Nga cần các quốc gia Trung Á tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, thanh toán bằng đồng Rúp thông qua liên minh tài chính với khối kinh tế Á - Âu (EAEU). Cuộc giành giật khách hàng với Iran âm thầm diễn ra tại khu vực.
Có thể bạn quan tâm