Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc trong việc trở thành đồng tiền thanh toán phổ biến trong thương mại quốc tế.
Một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc và nhiều đối tác thân cận không dấu diếm ý định tách khỏi hệ thống tài chính, tiền tệ toàn cầu do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Đây được coi là một trong những thay đổi mang tính đại diện cho thấy xu hướng phát triển mới.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lần đầu tiên khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch thương mại quốc tế vào năm 2009, đây là một phần trong phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Theo thống kê mới đây, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong thanh toán toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 7, một cột mốc trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại sự thống trị của đồng đô la Mỹ và tăng tiếng nói của mình trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Đồng nhân dân tệ vẫn giữ vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các loại tiền tệ thanh toán vào tháng trước, với tỷ trọng giao dịch toàn cầu tăng lên 4,74% từ 4,61% vào tháng 6. Trong đó, dữ liệu cho thấy giá trị thanh toán bằng nhân dân tệ tăng 13,4% so với tháng 6, vượt xa mức tăng trưởng 10,3% được ghi nhận trên tất cả các loại tiền tệ còn lại.
Nhân dân tệ giữ vị trí số 2 trên thị trường tài chính, thương mại toàn cầu với 6% thị phần, cao hơn 5,8% của đồng euro, nhưng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ áp đảo 83,2% của đồng đô la Mỹ.
Chỉ số toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ của Standard Chartered cho thấy đồng tiền này tăng mạnh 33% vào năm 2023. Nhân dân tệ đã vượt qua đồng yên Nhật để trở thành đồng tiền phổ biến thứ 4 trên thế giới trong các khoản thanh toán toàn cầu vào tháng 11/2023, sau đồng đô la Mỹ, đồng euro và bảng Anh.
Dữ liệu thanh toán nhanh là một chỉ báo chính về tình trạng tương đối của các loại tiền tệ quốc tế. Các số liệu khác bao gồm tần suất sử dụng trên thị trường ngoại hối, giao dịch hàng hóa và dự trữ ngoại hối của chính phủ.
Việc sử dụng đồng Nhân dân tệ đã gia tăng kể từ khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sau cuộc tấn công vào Ukraine tháng 2/2022. Phần lớn thương mại trị giá 240 tỷ đô la Mỹ giữa Trung Quốc và Nga vào năm ngoái được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc rúp.
Các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh cũng như đối tác trong nhóm BRICS tiếp tục thúc đẩy đồng nhân dân tệ, hoặc đồng tiền chung như một loại tiền tệ thay thế đô la Mỹ trong thương mại quốc tế, vì việc coi đồng đô la Mỹ là mối đe dọa thường trực với họ.
Thành quả này nhờ sự đóng góp của các nước Nam bán cầu trong việc tránh phụ thuộc quá mức vào “đồng bạc xanh”, khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Rất nhiều quốc gia tìm tới nhân dân tệ sau khi trục trặc quan hệ với Washington.
Hơn nữa, nhiều quốc gia xuất khẩu dầu chuyển sang giao dịch bằng các đồng tiền khác, thay vì đô la mỹ, góp phần làm tăng tỷ trọng sử dụng đồng tiền Trung Quốc. Trong đó thỏa thuận của Trung Quốc với Saudi Arabia là bước ngoặt quan trọng do nước này có vai trò chủ chốt trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính hàng đầu cho rằng, rất khó để nhân dân tệ có thể tạo ra cú đột phá nào nữa khi xét đến tình trạng kiểm soát vốn của quốc gia này cũng như tính cởi mở của dòng vốn xuyên biên giới.