Trước những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức vận hành điều hành, quản lý thị trường...
>> Giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương: Tránh “bộ này đổ cho bộ kia”
Theo đó, trước sức “nóng” của thị trường xăng dầu thời gian qua, không ít các biện pháp can thiệp đã được các cơ quan quản lý đưa ra, tuy nhiên, nguồn cung của nhiên liệu này vẫn có những dấu hiệu bất ổn. Đáng nói, ngay sau kỳ tăng giá ngày 01/11 vừa qua, không chỉ tại một số tỉnh khu vực phía Nam, mà ngay tại Hà Nội, một số nơi cũng xuất hiện tình trạng cây xăng treo biển hết hàng hoặc chỉ bán cầm chừng từ 30 – 50 nghìn đồng.
Nói về nguyên nhân xảy ra khan hiếm xăng dầu, tại cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước chiều 02/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên cho biết, ông đã có giải trình trước Quốc hội cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Cho đến giờ, tỷ giá vẫn tiếp tục biến động, sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt. Trong khi đó, xăng dầu trong nước vẫn phải lệ thuộc vào thị trường thế giới do nhập 20% xăng dầu thành phẩm và nhập khoảng 50% dầu thô (xăng dầu nguyên liệu) cho quá trình hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn sản xuất 80% nguồn cung còn lại.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ sẽ cho nghiên cứu, đánh giá lại, trên cơ sở đó tính toán phương án theo hướng thống nhất quy về một mối, giao cho Bộ Công Thương quản lý xăng dầu.
“Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng cho hay.
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có 22 doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch phân giao, còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
“Cú sốc vừa rồi đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành của chúng ta” và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cũng như các bộ, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương xem xét, xử lý các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.
“Chúng ta phải công bằng với nhau, nếu không công bằng thì không thể chấp nhận được. Quyền lợi thì doanh nghiệp hưởng nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là không được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thực tế, xoay quanh câu chuyện bất ổn của thị trường xăng dầu, không ít nguyên nhân đã được chỉ rõ như: chiết khấu, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu chưa kịp thời,… thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là bề nổi, còn bản chất là cơ chế điều hành xăng dầu phải thay đổi, làm rõ ai phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy nhau, phải thay đổi ngay và luôn.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ngoài việc xử lý bất ổn đang có trên thị trường xăng dầu, cơ quan quản lý cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức vận hành điều hành, quản lý thị trường xăng dầu.
“Nên đưa về một đầu mối duy nhất quản lý xăng dầu là Bộ Công Thương. Xăng dầu là hàng hóa, liên quan tới thị trường, sản xuất, nguồn cung, điều tiết về kỹ thuật mà Bộ Công Thương có bộ máy, chức năng nhiệm vụ để quản lý. Còn lâu nay, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không thể can thiệp sâu vào giá… Chính vì như vậy nên không có sự linh hoạt”, ông An bày tỏ.
Theo ông An, không thể chấp nhận được tình trạng người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải xếp hàng mua xăng vì thiếu hàng.
“Có thể lý giải việc thiếu cục bộ, đứt gãy vừa rồi là do chiết khấu, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu chưa kịp thời… Tuy nhiên, đây là bề nổi, còn bản chất là cơ chế điều hành xăng dầu phải thay đổi, làm rõ ai phải chịu trách nhiệm, tránh tình trạng đùn đẩy nhau, phải thay đổi ngay và luôn”, ông An cho hay.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý.
“Tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần). Sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí... chưa tốt”, ông Cường nêu quan điểm.
Được biết, ngày 02/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị tại công văn số 10859/BTC-QLG. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 6436/BCT-TTTN ngày 18/10/2022 về tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đã có công văn số 10859/BTC-QLG ngày 21/10/2022 gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái cũng ký Công điện số 1039/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị đã nêu tích cực, chủ động khắc phục tình trạng bất ổn, bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất thành lập tổ điều hành xăng dầu trên địa bàn TP HCM
00:31, 03/11/2022
Giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương: Tránh “bộ này đổ cho bộ kia”
04:00, 31/10/2022
Kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu
03:30, 30/10/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Gốc rễ tại… điều hành
04:00, 27/10/2022
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tập trung “gỡ khó” cho doanh nghiệp
11:00, 26/10/2022