Liên quan đến “nút thắt” cơ chế cho du lịch tại miền Tây Quảng Trị, phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp có buổi phỏng vấn ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.
>> Đầu tư farmstay không “dễ ăn”
- Thưa ông, Homestay, farmstay miền Tây Quảng Trị đã phát lộ tiềm năng, địa phương đã có nghiên cứu, đánh giá cụ thể như thế nào để đưa ra quyết sách đúng đắn?
Thực ra du lịch cộng đồng ở Quảng Trị đã được nghiên cứu đánh giá trong các kế hoạch phát triển du lịch tổng thể của tỉnh giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030. Xác định loại hình du lịch này là mũi nhọn. Đặc biệt khi chuyển đổi xu thế phát triển chung sau đại dịch COVID-19, khách du lịch bắt đầu có cách tiếp cận mới. Các chuyên trang về du lịch đã phân tích và cho thấy, thói quen du lịch không như trước đây - đến những nơi sầm uất - thay vào đó họ lựa chọn trở về với thiên nhiên, gần gũi với cộng đồng, với văn hóa bản địa.
Khái niệm “du lịch cộng đồng” ở Việt Nam khá mới, nhưng loại hình này đã phát triển từ thập niên 80 tại nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng , chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông thôn là định hướng lớn của Chính phủ, là một trong những nội dung quan trọng của chương trình “Nông thôn mới”.
Riêng về du lịch cộng đồng, Quảng Trị hội đủ điều kiện để phát triển mạnh. Đó là bản sắc văn hóa bản địa; giàu tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng. Tại cùng một thời điểm, Quảng Trị có những tiểu vùng khí hậu khác nhau. Đây là điểm khác biệt không phải nơi nào cũng có. Ngoài ra còn có hệ sinh thái rừng, thác, hang động. Đặc biệt hơn nữa, các tài nguyên này phân bổ đan xen với nhau, tạo ra khả năng khai thác sản phẩm du lịch kết hợp trong một tour. Tôi cho rằng, đây là lợi thế rất quan trọng.
- Trước thực tiễn mới phát sinh như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh, địa phương đã ứng xử như thế nào? Thưa ông!
Có những thời điểm thực tiễn đi trước lý luận; cũng như vậy pháp luật, thể chế thường hoàn thiện sau - dựa trên cơ sở thực tiễn. Cụ thể, một số chính sách cho việc phát triển du lịch cộng đồng chưa đồng bộ, dẫn đến vướng mắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch, cấp phép xây dựng.
Ban chỉ đạo Du lịch của tỉnh đã có chỉ đạo với huyện Hướng Hóa xây dựng đề án trình cấp thẩm quyền cho phép phát triển thí điểm sau tháng 7/2024. Hiện tại đề án đã hoàn thành, UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT-DL, cùng với các ngành thẩm định “đề án phát triển thí điểm” du lịch cộng đồng, trước mắt ở Hướng Hóa. Trong tháng 3 UBND tỉnh sẽ tổ chức họp để nghe báo cáo. Sau đó trình HĐND tỉnh phê duyệt.
Cụ thể, chúng tôi yêu cầu các huyện căn cứ vào các quy hoạch phát triển; định hướng của địa phương để hướng dẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ gia đình. Tâm lý bây giờ cũng phải chờ Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành nên có độ trễ nhất định. Yếu tố quan trọng hơn nữa tôi muốn nói ở đây là thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông thôn”.
>>Hà Nội ưu tiên phát triển loại hình du lịch homestay
- Vậy, Thưa ông! Luật pháp, thể chế nhiều khi không theo kịp thực tiễn, phân tích trường hợp này sẽ rút ra bài học gì cho chiến lược phát triển ngành du lịch tại Quảng Trị?
Nếu ở Hướng Hóa phát triển được loại hình du lịch cộng đồng đúng hướng sẽ góp phần thay đổi tư duy từ kinh tế tự cấp sang kinh tế thị trường. Mặt khác, người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ biết trân trọng và gìn giữ giá trị văn hóa bản địa của mình hơn, vì đó là cái hồn cốt hấp dẫn dẫn khách du lịch. Tôi cho rằng đây là ý nghĩa sâu sắc nhất của loại hình du lịch này.
Con người sẽ biết yêu thiên nhiên hơn, việc phá rừng làm nông nghiệp chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Những vùng đất vốn đã bị hoang hóa, lãng phí sẽ phát huy trở lại tiềm năng của nó.
Chúng tôi giao cho chính quyền địa phương trực tiếp xây dựng đề án, sau đó Sở sẽ tổng hợp. Trong chương trình xúc tiến Thương mại, Du lịch của tỉnh năm nay chúng tôi bố trí cho Sở VH-TT-DL cùng với một số ngành, địa phương đi học tập kinh nghiệm, xem các địa phương khác làm như thế nào để đề ra chính sách không chậm so với thực tế, thậm chí phải đi trước thực tế.
Đối với thực trạng một số doanh nghiệp đang hoạt động, tôi đã yêu cầu địa phương bám sát, liên tục báo cáo, thực sự lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư, ý kiến của người dân, tiếp nhận tất cả khó khăn vướng mắc. Đối với những người mang trọng trách làm luật, phải bám sát thực tiễn cuộc sống, sớm nắm bắt được cái mới phát sinh, xu hướng vận động mới của xã hội. Từ đó bổ sung, hoàn chỉnh thể chế luật pháp để áp dụng trở lại thực tiễn.
Chúng tôi rất phấn khởi với Luật đất đai (sửa đổi) đã cụ thể hóa Nghị quyết 18 của BCHTW khóa XIII về hoàn thiện, đổi mới cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý sử dụng đất. Trong đó có nội dung quan trọng là cơ bản hoàn thiện thể chế chính sách quản lý sử dụng đất nông nghiệp với nhiều quy định mới. Tạo điều kiện cho những tổ chức cá nhân về vốn, khoa học công nghệ được tiếp cận đất đai tốt hơn.
- Xin ông cho biết, đối với ngành công nghiệp du lịch nói chung, Quảng Trị có chính sách ưu đãi ra sao để thu hút nhà đầu tư?
Tỉnh Quảng Trị sẽ phát triển dựa trên 3 trụ cột: “công nghiệp xây dựng”, “nông nghiệp” và “dịch vụ du lịch”. Trong đó công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá; nông nghiệp là bệ đỡ; du lịch là mũi nhọn. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về các chính hỗ trợ phát triển du lịch tại địa phương, giai đoạn 2022 - 2030. Khuyến khích tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, liên kết vùng, liên kết liên vùng.
Ngoài ra, Quảng Trị có riêng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư du lịch: Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ liên kết sản phẩm du lịch bằng kinh phí cụ thể.
- Thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp, ông có gửi gắm gì đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước?
Quảng Trị may mắn sở hữu tài nguyên du lịch đồ sộ chưa được khai phá, đặc biệt là di sản của các cuộc kháng chiến, các cuộc hành trình mở cõi của ông cha ta. Mục tiêu trọng tâm là khai thác bền vững các giá trị lịch sử, kết hợp với tài nguyên hiện đại.
Bây giờ Quảng Trị đang trở mình chuyển động với khát vọng phát triển rất lớn trong xu thế hội nhập hiện nay. Tỉnh nhà đang dần hiện thực hóa những đột phá về kinh tế - xã hội, bao gồm sân bay, cảng biển kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây. Khi hệ thống hạ tầng này hoàn thiện sẽ đánh thức tiềm năng kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
Chúng tôi nhận thấy, cơ hội để Quảng Trị đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn hoàn toàn có thể thực hiện được. Muốn du lịch phát triển vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hết sức quan trọng - đồng hành cùng chính sách của tỉnh.
Sắp tới đây, Quảng Trị chuẩn bị tổ chức “Lễ hội Vì hòa bình”, đây được coi là “phiên bản” nâng tầm chuỗi sự kiện tháng 7 “tri ân - tưởng niệm”. Đây là thông điệp rất lớn với khát khao thể hiện “sức mạnh nội sinh của dân tộc trong sức mạnh thời đại”. Nhằm xây dựng hình ảnh Quảng Trị trên bản đồ du lịch. Do vậy, tôi rất mong muốn nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội này!
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Quy hoạch tỉnh Quảng Trị: Tạo đột phá để phát triển nhanh hơn
02:52, 14/03/2024
Hé lộ công viên giải trí mô hình VinWonders lần đầu xuất hiện tại Quảng Trị
18:25, 13/03/2024
Bao giờ Quảng Trị “hái quả ngọt” kinh tế đêm?
00:30, 06/01/2024
Đề xuất mở rộng chính sách visa để tăng tốc phục hồi ngành du lịch
02:00, 20/03/2024
Khai mở tiềm năng du lịch tâm linh
03:00, 18/03/2024
Điện Biên phát triển du lịch bền vững
13:56, 17/03/2024