Bến Tre: Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và logistics

HẰNG HÀ 24/06/2022 15:35

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre được phê duyệt thuộc Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.

>>Bến Tre: Đối ngoại phục vụ kinh tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại

 Công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics đồng bộ, đáp ứng mục tiêu và định hướng phát triển tổng thể kinh tế- xã hội của tỉnh và vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Đặc biệt tuyến đường bộ ven biển không chỉ có ý nghĩa kết nối liên vùng mà còn đóng vai trò rất quan trọng, mở ra không gian phát triển cho tỉnh Bến Tre.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng

Thực hiện Đề án 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ kinh tế- xã hội của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, tỉnh đã và đang tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các dự án như Dự án nâng cấp Quốc lộ 57, đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; nâng cấp Quốc lộ 57B đoạn từ đường dẫn vào cầu Rạch Miễu đến Khu công nghiệp Giao Long; Dự án đường huyện 173, đoạn từ nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành đến tượng đài Tiểu đoàn 516; giai đoạn 1 dự án xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, Bến Tre chú trọng phát triển hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics thông qua việc kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu tạo động lực thu hút doanh nghiệp vận tải như: hạ tầng bến cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, kho hàng tập trung gần các khu công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung phù hợp với từng khu vực để giảm chi phí vận tải, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và dịch vụ du lịch.

Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bến Tre cho biết hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: Cầu Rạch Miễu 2, cầu Bình Thới 2 (đường ven biển), cầu Rạch Vong, đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển (giai đoạn 2), đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện thủ tục đầu tư tuyến đường bộ ven biển giai đoạn 1; xây dựng cầu Bình Đông trên đường huyện 23; cầu Rạch Bần trên đường huyện 22, huyện Mỏ Cày Nam; cống ngang lộ Quốc lộ 57B, huyện Bình Đại; xây dựng đường từ cảng Giao Long đến khu công nghiệp Phú Thuận; Xây dựng đường Bắc Nam phục vụ khu công nghiệp Phú Thuận và cụm công nghiệp Phong Nẫm; Cầu Ba Lai; tuyến tránh Phước Mỹ Trung; cầu Bình Thới 2; Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2.

Tập trung tuyến đường ven biển

Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre được phê duyệt thuộc Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021. Dự án có chiều dài khoảng 53km đi qua địa phận tỉnh Bến Tre, có điểm đầu kết nối với tỉnh Tiền Giang và điểm cuối tiếp giáp địa phận tỉnh Trà Vinh.

Tuyến đường có tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2021 – 2025) và giai đoạn 2 sau năm 2025. Nguồn vốn đầu tư gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Giai đoạn 1 (2021 - 2025) với kinh phí 13.127 tỉ đồng xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới; xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 5 cầu vượt sông lớn. Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025) với kinh phí 15.419 tỉ đồng: nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m.

Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển Bến Tre đã được cập nhật vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, có 04 khu bến, gồm: Khu bến Giao Long; Khu bến Hàm Luông; Khu bến Thạnh Phú; Khu bến Bình Đại và các bến vệ tinh với chức năng phục vụ phát triển kinh tế biển.

Theo ông Cao Minh Đức, tuyến đường bộ ven biển Bến Tre không chỉ có ý nghĩa kết nối liên vùng mà còn đóng vai trò rất quan trọng cho tỉnh trong phát triển kinh tế ven biển, phát triển hệ thống cảng và giao thông vận tải đường biển, gắn kết với các cảng biển của vùng.

Qua đó, giúp các tỉnh trong vùng khai thác tốt nhất tiềm năng phát triển kinh tế biển; thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế biển, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với những nguy cơ của biến đổi khí hậu.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, Bến Tre

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận, Bến Tre

    21:49, 27/05/2022

  • Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

    10:00, 23/01/2022

  • Bến Tre: Nền tảng phát triển từ  nguồn nhân lực chất lượng cao

    Bến Tre: Nền tảng phát triển từ nguồn nhân lực chất lượng cao

    13:18, 24/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bến Tre: Đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông và logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO