Bến Tre: Đột phá với ngành công nghiệp năng lượng sạch

Diendandoanhnghiep.vn Tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án năng lượng điện gió nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.

Chia sẻ với DĐDN, ông  Nguyễn Văn Bé Sáu - Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre cho biết:  Theo chủ trương phát triển về hướng Đông, ngành công nghiệp năng lượng sạch được xác định là lĩnh vực đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre. Tỉnh đã và đang tập trung quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án năng lượng điện gió nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương. 

- Thưa ông, đâu là lợi thế của Bến Tre trong phát triển năng lượng tái tạo?

Bến Tre có chiều dài bờ biển 65km và vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2, với tài nguyên gió rất tốt - tốc độ gió trung bình 6,8 m/s, là lợi thế lớn để phát triển các dự án năng lượng gió. Tỉnh Bến Tre đã xác định năng lượng tái tạo là một trong những ngành công nghiệp chủ lực tập trung phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 1.500MW điện gió đưa vào vận hành khai thác và đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 3.000MW điện gió được đưa vào vận hành khai thác.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu phát triển năng lượng sạch trong nhiệm kỳ, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp từ điện chiếm 15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre (năm 2015), trên địa bàn 3 huyện ven biển có tiềm năng phát triển điện gió lên đến quy mô hơn 100 ngàn ha. Trong đó, có trên 50 ngàn ha có thể khai thác phát triển điện gió. Vị trí khảo sát cách bờ xa nhất khoảng 10km. Bên cạnh các vị trí đã xác định quy hoạch, UBND tỉnh đã cho chủ trương các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát và đề xuất thêm khoảng 2.976km2 mặt biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi với khoảng cách xa bờ nhất lên đến 80km. Điện gió ngoài khơi tuy thi công phức tạp và đầu tư tốn kém nhưng có nhiều ưu điểm vượt trội, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn trong tương lai.

- Đến nay, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió của tỉnh đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?

Đến thời điểm hiện tại, Bến Tre đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất trên 1.007MW. Ngoài ra, có 37 dự án điện gió đang được tỉnh trình Chính phủ, Bộ Công Thương để đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với công suất trên 13.000MW. Trong đó, có 6 dự án điện gió ngoài khơi, công suất 10.600MW.

Trong 19 dự án điện gió đã được Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt vào quy hoạch đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư, đã có 9/19 dự án đang triển khai ngoài thực địa, thi công lắp đặt hoàn thành với công suất 365,9MW. Đến nay, có 7/9 dự án được đóng điện vận hành với tổng công suất 221,05MW; trong đó, công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 với công suất 93,5MW, công nhận cơ chế giá tạm thời bằng 50% mức giá trần 128MW. Dự kiến đến cuối 2023 sẽ tiếp tục đóng điện vận hành khoảng 144,85MW.

- Bến Tre sẽ thực hiện những giải pháp gì để tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thưa ông?

Để thu hút các nhà đầu tư khai thác phát triển các dự án năng lượng tái tạo phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, thời gian tới tỉnh tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, các đơn vị trực thuộc Bộ để cập nhật các dự án điện gió của tỉnh vào danh mục trong sơ đồ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) và danh mục các dự án lưới điện truyền tải tương ứng, đồng bộ. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam, các nhà đầu tư tiềm năng có giải pháp triển khai nhanh các công trình lưới điện truyền tải và phân phối, tăng khả năng truyền tải điện, phân phối điện, đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các dự án điện khi đưa vào vận hành, nhất là khu vực các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ ngành điện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình kịp thời đưa các công trình này vào vận hành trong năm 2023 và giữa năm 2024. Tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải đồng bộ trên cơ sở quy hoạch của ngành nhằm đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện gió lên lưới điện quốc gia.

Đồng thời, ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hydro xanh, amoniac xanh cùng với việc đầu tư điện gió ngoài khơi không nối lưới để phục vụ trực tiếp cho các nhà máy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh. Riêng đối với các dự án đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để thi công, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các chủ đầu tư trong quá trình hoàn chỉnh các hồ sơ như đất đai, môi trường, thuê khu vực biển, phòng cháy, chữa cháy… giải phóng mặt bằng triển khai thi công công trình.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre: Đột phá với ngành công nghiệp năng lượng sạch tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714943198 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714943198 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10