Bến Tre cũng như nhiều địa phương ĐBSCL đã bị hạn mặn và dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm đến nay, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, sâu, kéo dài, diễn biến bất thường, bao phủ toàn tỉnh Bến Tre đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống, ứng phó của chính quyền và đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Sự tác động “kép” này đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ...
Đánh giá mức độ ảnh hưởng của hạn mặn và dịch bệnh COVID-19, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, tình hình thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra từ đầu mùa khô năm 2019-2020 đến nay là rất lớn, tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo thống kê, ước tổng giá trị thiệt hại trực tiếp lĩnh vực nông nghiệp trên 1.600 tỷ đồng.
Tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, nhất là đối với một số nhà máy có yêu cầu sử dụng nước cao như sản xuất bia, chế biến thực phẩm, nồi hơi, nhuộm vải,… Nguồn nước sinh hoạt của các nhà máy nước đều bị nhiễm mặn vượt mức cho phép, không thể dùng để ăn uống và rất khó khăn trong sinh hoạt, người dân phải đổi nước để ăn uống, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tác động đến tâm lý, đời sống người dân, đặc biệt là lực lượng lao động bị mất việc làm, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bị đình trệ. Tính tổng thể nền kinh tế 6 tháng đầu năm, ước giá trị sản xuất sụt giảm 4.400 tỷ đồng so với kế hoạch.
Riến đối với ngành Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình nước mặn, dịch bệnh đã làm giải thể 06 doanh nghiệp, tạm ngưng hoạt động 21 doanh nghiệp, chủ yếu ngành nghề may mặc, dừa (chỉ, dừa trái, sơ chế, thạch dừa…) đóng tàu, in ấn,… Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 27 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp có biến động về lao động, việc làm, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ dừa, may mặc, giày da… Ngành chế biến dừa, xâm nhập mặn dẫn đến nguyên liệu không đáp ứng yêu cầu sản xuất, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm; dịch bệnh làm cho nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ dừa sụt giảm. Ngành chế biến thủy sản, xâm nhập mặn đã dẫn đến hiện tượng thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất; bên cạnh đó, dịch COVID-19 lây lan mạnh, các nhà máy chế biến thủy sản không xuất khẩu được, hàng bị tồn kho nhiều. Ngành dệt may, điện tử, nhiều doanh nghiệp bị hủy khoảng 50% đơn hàng hoặc giảm thị trường xuất khẩu, thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất.
Đến nay, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã dần ổn định, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 2,59% so cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 12.210 tỷ đồng (tăng 5,6%); tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 16.379,3 tỷ đồng (tăng 6,28%)… Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với hoạt động xuất, nhập khẩu.
Theo ông Châu Văn Bình, Giám đốc Sở Công thương Bến Tre, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan, nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, nắm bắt tình hình, ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trước tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như hạn mặn, nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cùng với việc chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Sở Công Thương cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mua bán sản phẩm trên môi trường trực tuyến, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng website cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; triển khai Đề án phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre.
Đồng thời, thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc để có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp về thương mại của các nước để thông tin, khuyến cáo đến các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để chủ động trong sản xuất – tiêu thụ; giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.
Sở Công Thương cũng tập trung tổ chức có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng từ đó đảm bảo tăng doanh thu cho doanh nghiệp và duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra; tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại Tp.HCM, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, khảo sát thị trường trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống cửa hàng đặc sản và OCOP Bến Tre; tổ chức Hội chợ OCOP và đặc sản tỉnh Bến Tre tại Hà Nội và Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bến Tre – Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình của hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn đối với từng lĩnh vực cụ thể, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm. Tỉnh Bến Tre cũng đẩy mạnh rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, sớm tạo quỹ đất thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, phát huy tiềm lực của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho việc nhập khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Bến Tre cũng đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung rà soát các thủ tục hành chính, chủ động triển khai việc cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân trước thời hạn yêu cầu nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh” – ông Châu Văn Bình cho hay.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 15/06/2020
04:55, 08/06/2020
03:41, 16/05/2020
04:55, 11/05/2020
17:31, 28/04/2020
05:50, 20/04/2020