Bến Tre tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư để mở rộng không gian phát triển tỉnh về hướng Đông gắn với kinh tế biển.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông, đến nay hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực này đạt kết quả ra sao?
Sau gần 5 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư vùng ven biển của tỉnh.
Giai đoạn 2018-2023, tỉnh đã thu hút 25 dự án đầu tư ngoài ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng 3 huyện ven biển, với tổng mức đầu tư hơn 23.985 tỷ đồng; trong đó, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực nông sản, thủy sản, năng lượng tái tạo…
Tỉnh cũng đã đầu tư khoảng hơn 4.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng cho 3 huyện biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bến Tre vừa hoàn thành xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, sẽ tập trung phát triển mạnh về phía Đông (hướng biển), phát triển hoàn chỉnh các dự án điện gió (hơn 1.000 MW) được trung ương duyệt và xin cơ chế thí điểm một số dự án năng lượng mới, hoàn thành tuyến ven biển, tạo hành lang kinh tế mới liên vùng ĐBSCL và TP. HCM.
- Môi trường đầu tư thuận lợi là một trong những điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh. Vậy đâu là điểm nhấn của Bến Tre trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thưa ông?
Bến Tre đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng niềm tin của doanh nghiệp đối với bộ máy quản lý hành chính của chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở.
Bến Tre xác định, công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh cũng đẩy mạnh giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đảm bảo tính minh bạch, để mọi người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong thực hiện TTHC mà không cần đến các cơ quan hành chính công. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được nâng cấp, tích hợp Kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của các ngành, các cấp, đồng bộ các danh mục dữ liệu dùng chung được chia sẻ từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bến Tre cũng công khai các định hướng, quy hoạch, đề án, chiến lược phát triển của tỉnh trên từng ngành, lĩnh vực… qua đó nâng cao tính minh bạch, coi đây như một biện pháp CCHC để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp ý kiến, thực hiện, giám sát.
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện mục tiêu xây dựng Bến Tre trở thành “địa phương khởi nghiệp”, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ và “đồng hành cùng doanh nghiệp” trong quá trình đầu tư, phát triển tại địa phương. Năm 2022, kết quả đánh giá Chỉ số PCI Bến Tre xếp vị trí 13/63 tỉnh, thành, tăng 05 bậc so với năm 2021.
Bến Tre đang tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như: tập trung xây dựng cầu Rạch Miễu 2 (hoàn thành năm 2026), cầu Đình khao (2027), đường ven biển (2024-2030) để tăng kết nối vùng kinh tế động lực phía Nam và TP. HCM, hoàn thiện hạ tầng KCN Phú Thuận 2025 để tạo quỹ đất thu hút đầu tư thứ cấp…
- Cùng với cải thiện môi trường đầu tư, Bến Tre cũng tăng cường xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh, thưa ông?
Thời gian qua, Bến Tre đã và đang đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế ra cộng đồng quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với quyết tâm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, Bến Tre đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, chú trọng thực hiện tốt công tác đối ngoại, đặc biệt là hoạt động đối ngoại kinh tế; tận dụng tốt cơ hội các hiệp định thương mại tạo đà để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu của tỉnh. Bến Tre cũng tăng cường quảng bá thương hiệu, liên kết, xúc tiến để thu hút vốn ODA, NGO, FDI, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh Bến Tre cũng đã ký nhiều bản ghi nhớ với Nhật Bản (Ehime), Bỉ và Ả-rập Xê-út....
Đặc biệt, Bến Tre đã chủ động tăng cường kết nối với các Đại sứ Việt Nam tại các nước, như: Đức, Pháp, Italy, Áo, Slovakia, Hungary, Bulgaria, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Iran, Saudi Arabia, Qatar, Nam Phi, Ai Cập, Sri Lanka, Pakistan… với mong muốn đại sứ các nước sẽ hỗ trợ, giúp sức cho tỉnh trong thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, tạo sự đột phá trong thời gian tới.
Năm 2024, tính phấn đấu thu hút khoảng 400 triệu USD vốn đầu tư FDI, giải ngân khoảng 22 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước khoảng 8.000 tỷ đồng.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm