Bến Tre: Nâng cao vị thế, hình ảnh cây dừa

HẰNG HÀ 15/07/2023 14:55

Bến Tre phấn đấu, giá trị sản xuất, chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 23,6%/năm và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Ngành dừa ở Bến Tre là một mô hình kinh tế tuần hoàn khi hầu hết những thành phần, cấu tạo của cây dừa đều được sử dụng trong một lĩnh vực nhất định.

Mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các sản phẩm chế biến từ quả dừa của Bến Tre có thể hội nhập với thị trường thế giới. Cơm dừa trắng được xem là thành phần được nghiên cứu sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp thực phẩm. Trước đây, vị béo của cơm dừa chỉ được dùng như một nguyên liệu trong món ăn, trong chế biến bánh kẹo… đến nay, với công nghệ hiện đại, nước cốt dừa được chế biến, bao gói trong bao bì lon hay hộp giấy tiện dụng đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Dầu dừa nổi tiếng với nhiều công dụng đối với sức khỏe cũng được đầu tư sản xuất với đa dạng công nghệ và phương thức tách chiết. Các sản phẩm này không dừng lại ở việc sử dụng trực tiếp mà còn được sử dụng trong các ngành liên quan khác như mỹ phẩm, y học. Cùng với sự phát triển của các dây chuyền chế biến sử dụng cơm dừa làm nguyên liệu, nước dừa được thu hồi để trở thành nguyên liệu chính cho các cơ sở sản xuất thạch dừa, nước màu dừa…

Ngày nay, các sản phẩm chế biến từ phần bên trong của quả dừa phát triển thì các sản phẩm chế biến từ phần vỏ dừa cũng vô cùng đa dạng. Sản phẩm mụn dừa như một loại chất trồng tốt được sử dụng rộng rãi trong nước và xuất khẩu. Chỉ xơ dừa đã từ lâu trở thành sản phẩm chủ lực của nhiều địa phương tại Bến Tre gắn liền với thảm xơ dừa, đồ thủ công hay được nghiên cứu ứng dụng trong các ngành công nghệ cao như: gỗ ép từ vỏ dừa phục vụ trong ngành xây dựng, kiểm soát xói mòn đất…

Gáo dừa được ứng dụng làm chậu trồng, đồ thủ công mỹ nghệ… Rất nhiều nghiên cứu ứng dụng đối với thành phần vỏ dừa được công bố và mang tính thực tế cao như bê-tông gáo dừa, ứng dụng sợi dừa trong vật liệu composite. Đối với thân dừa và các thành phần còn lại trên cây dừa, hầu hết đều được biến hóa một cách khéo léo qua các tác phẩm nội thất, gia dụng, đồ thủ công...

Ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết, nắm bắt công nghệ và đi cùng xu hướng thị trường tiêu dùng, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới tự tin về việc xây dựng chuỗi sản phẩm từ dừa khép kín, đảm bảo sử dụng gần như trọn vẹn thành phần bên trong mỗi quả dừa. Sau mỗi dây chuyền sản xuất, phụ phẩm được nghiên cứu quay lại chuỗi sản phẩm khác với giá trị gia tăng cao.

  Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới.

Nâng cao chuỗi giá trị từ dừa

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất nước và được xem là “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích 78.000 ha, trong đó tham gia chuỗi giá trị là 21.483 ha/tổng diện tích dừa, chiếm trên 27,5% tổng diện tích; sản lượng dừa tham gia chuỗi là 236.320 tấn/tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh là 688.000 tấn, đạt tỷ lệ 34,4%. Tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 17.846 ha và diện tích đạt chứng nhận 11.418 ha theo các tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU.

Với nguồn nguyên liệu luôn dồi dào và chất lượng tương đối cao, ngành công nghiệp chế biến dừa Bến Tre phát triển khá nhanh và toàn diện, công nghệ chế biến đã vươn ra tầm khu vực và thế giới. Hiện toàn tỉnh có khoảng gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau. Hiện sản phẩm dừa Bến Tre có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…

Ông Huỳnh Quang Đức cho biết, việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có bước tiến bộ vượt bậc, đưa ngành dừa nhanh chóng hội nhập với ngành chế biến dừa thế giới. Công nghệ chế biến đổi mới đã giúp đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm tinh, có giá trị gia tăng cao, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm qua áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), chứng nhận HALAL; các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế USDA-NOP, JAS, EU...

Năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3003/KH-UBND ngày 01/6/2021 để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU; đồng thời, tỉnh ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đây là tiền đề để tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, cốt lỗi là phát triển ngành sản xuất, chế biến dừa trên địa bàn tỉnh: mục tiêu phát triển diện tích dừa hữu cơ đến 2025 đạt 30%, đến 2030 đạt 50% diện tích dừa của tỉnh… tiếp tục xây dựng hoàn thiện đồng bộ chuỗi giá trị cây dừa, xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ dừa của Tiểu vùng Duyên hải phía đông ĐBSCL.

Có thể bạn quan tâm

  • PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm

    PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm

    16:35, 28/06/2023

  • Bến Tre xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản

    Bến Tre xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản

    12:55, 30/06/2023

  • PCI 2022: Bến Tre luôn coi trọng và chào đón các nhà đầu tư

    PCI 2022: Bến Tre luôn coi trọng và chào đón các nhà đầu tư

    15:34, 20/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bến Tre: Nâng cao vị thế, hình ảnh cây dừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO