Bến Tre trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, theo hướng hiện đại, công nghệ cao.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đang là hướng đi của ngành nông nghiệp, nhằm đưa Bến Tre trở thành trung tâm đầu mối về nông nghiệp, theo hướng hiện đại, công nghệ cao.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Bến Tre đã tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được hình thành bởi 3 cù lao lớn. Với địa thế gần như bao trùm toàn bộ vùng hạ lưu sông Tiền, bốn nhánh đổ ra biển, đã tạo ra cho Bến Tre một hệ sinh thái khá độc đáo, địa hình có nhiều sông ngòi, kênh rạch lớn nhỏ. Đây là tiềm năng rất lớn để Bến Tre phát triển nông nghiệp.
Thời gian qua, Bến Tre rất chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đã có 7 chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành và phát triển (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, bò, heo và tôm biển).
Đặc biệt, với diện tích hơn 80.000ha, Bến Tre là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước, cung cấp hàng năm hơn 800 triệu trái làm nguyên liệu đầu vào cho khoảng 157 doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa. Các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tỉnh đang khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa.
Không dừng lại ở dừa, Bến Tre còn là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về cây ăn trái với diện tích hơn 25.000ha, với sản lượng hơn 300.000 tấn (chủ yếu chôm chôm, nhãn, trái có múi, sầu riêng, măng cụt…). Bưởi da xanh, một trong những sản phẩm nổi bật của tỉnh, đã được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2018, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường.
Bến Tre còn có thế mạnh đặc biệt về sản xuất hoa kiểng. Toàn tỉnh hiện có 33 làng nghề chuyên sản xuất giống hoa kiểng, với quy mô và chất lượng nổi bật. Trong đó, làng nghề sản xuất cây giống hoa kiểng Cái Mơn lớn nhất Việt Nam được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Sản phẩm hoa kiểng từ Bến Tre không chỉ tiêu thụ rộng rãi trên khắp cả nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bến Tre có 3 huyện giáp biển, với đường bờ biển dài 65km, giúp tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm: nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, phát triển du lịch biển... Toàn tỉnh hiện có hơn 47.000ha nuôi thủy sản với tổng sản lượng nuôi và khai thác đạt gần 500.000 tấn/năm…
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre cho biết, tỉnh luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách của địa phương. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã khuyến khích, vận động nhân dân, HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phù hợp lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay tỉnh đang tập trung triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 88 tổ hợp tác (THT), 78 HTX, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Điển hình trong chuỗi dừa, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ tư vấn kỹ thuật canh tác, kỹ thuật ủ phân hữu cơ; hỗ trợ liên kết đầu vào, đầu ra; triển khai xây dựng các mô hình nuôi thiên địch trên vườn dừa (ong ký sinh, bọ đuôi kìm) góp phần xây dựng thành công mô hình điểm, nhằm tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng về lợi ích việc xây dựng vùng sản xuất tập trung.
Trong chuỗi tôm, ngành đã tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trong 4 năm qua đã phát triển thêm 1.509ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, lũy kế đến nay đã phát triển 3.509ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Hình thành vùng nuôi tôm tập trung tại huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại.
Toàn tỉnh hiện có 26.470 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương; bao gồm: dừa (20.401ha), cây ăn trái (664ha) và thủy sản (5.405ha).
Bến Tre hiện có 24 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 640,52 ha. Trong đó: Lúa (10 mã số) có 344,67 ha, Buởi (05 mã số) có 65,35 ha, Rau (01 mã số) có 1,75 ha, Dừa (03 mã số) có 119,1 ha, Xoài (01 mã số) có 30,7 ha, Nhãn (02 mã số) có 50,23 ha, Sầu riêng (02 mã số) có 28,72 ha.
Về mã số vùng trồng xuất khẩu, tỉnh hiện có 63 vùng trồng được cấp 163 mã số với diện tích 1.064,93 ha. Trong đó: Bưởi da xanh có 34 vùng trồng gắn 105 mã số (diện tích 456,82 ha); Chôm chôm có 05 vùng trồng gắn 10 mã số (diện tích 66,65 ha); Xoài có 08 vùng trồng gắn 32 mã số (diện tích 88,5 ha); Sầu riêng có 15 vùng trồng gắn 15 mã số (diện tích 443,96 ha); Nhãn có 01 vùng trồng gắn 01 mã số (diện tích 09 ha). Riêng đối với các vùng trồng dừa đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cơ bản đáp ứng các quy định hiện hành là 133 vùng trồng với hơn 8.373,61 ha và 12.829 hộ tham gia. Trong tháng 10 này, tỉnh Bến Tre sẽ xuất khẩu trái dừa tươi chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, thời gian tới, Bến Tre tiếp tục triển khai và thực hiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu thụ thông suốt, giá cả ổn định, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường.