Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư.
Bến Tre đã tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính các cấp, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Giữa năm 2022, tại hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết về thực hiện các giải pháp duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX giai đoạn 2022 - 2025.
Sau khi tổ chức ký bản cam kết, công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính (CCHC) được lãnh đạo các đơn vị, địa phương quan tâm đẩy nhanh tiến độ, từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo đến việc trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Các ngành, các cấp cũng đã tăng cường truyền thông về CCHC với các hình thức phong phú, góp phần phổ biến, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả đồng bộ 100% các cơ quan hành chính ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận một cửa của UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy trình giải quyết TTHC. Đa số hồ sơ TTHC được giải quyết trước và đúng hạn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đã triển khai cung cấp 100% TTHC thành dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4; 80% tổng số TTHC của tỉnh đã tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia.
Những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Trong báo cáo PCI 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh Bến Tre được giới chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá khá cao. Với 68,04 điểm, PCI 2022 Bến Tre xếp thứ 13/63 tỉnh/thành; trong bảng xếp hạng PCI cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021, xếp vị trí thứ 4/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, chỉ số Gia nhập thị trường 7,26 điểm, đứng thứ 10; chỉ số Tiếp cận đất đai 7,49 điểm, thứ hạng 9; Chi phí thời gian 8,03 điểm, xếp thứ 5, Chi phí không chính thức 7,97 điểm, xếp thứ 2… Ông Dương Văn Phúc - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cho biết, kết quả này phản ánh sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đưa Bến Tre trở thành điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư.
Bến Tre hiện có 331 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 64 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.628,9 triệu USD và 267 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 61.792,64 tỷ đồng; khoảng 30 chương trình, dự án viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài đang triển khai, với tổng giá trị viện trợ gần 4 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai 4 chương trình, dự án ODA, với tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD. Bến Tre còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác và nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Dương Văn Phúc, Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông, thủy sản, các sản phẩm từ dừa, trái cây…và lực lượng lao động trẻ, dồi dào có tay nghề đáp ứng yêu cầu để phát triển các ngành công nghiệp chế biến.
Giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đang triển khai Nghị quyết về xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu nông sản tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức, đối tượng nuôi thủy sản phù hợp định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41.500ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha, sản lượng 114 ngàn tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ chế biến, xuất khẩu. Bến Tre hiện có 10 doanh nghiệp lớn chế biến thủy sản, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: Nghêu, cá tra, tôm đông lạnh,... Trong giai đoạn tới, tỉnh quy hoạch phát triển 4.000 ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao tại các huyện ven biển và tập trung mời gọi các dự án chế biến thủy sản (tôm) công nghệ cao xuất khẩu.
Bến Tre đang tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư; triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2023- 2025. Tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN, CCN; xây dựng hoàn thiện và triển khai “Số hóa dữ liệu các KCN, CCN trên nền tảng bản đồ số 4D, số hóa hiện trạng khu vực/vị trí dự án mời gọi đầu tư”. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Phú Thuận, với diện tích 231ha chuẩn bị mời gọi đầu tư thứ cấp.
Bến Tre cũng đa dạng hình thức thu hút đầu tư, trong đó chú trọng hình thức thu hút đầu tư trực tiếp đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm