Bill Hwang có hành trình đi lên đáng kinh ngạc nhưng cú rơi chóng vánh khỏi ánh hào quang của Hwang còn khiến người ta sửng sốt hơn.
Tháng 3 vừa qua, Phố Wall vừa chứng kiến vụ sụp đổ quỹ đầu tư Archegos Capital Management gây chấn động, kéo theo hàng loạt ngân hàng đình đám như Morgan Stanley, Nomura, Credit Suisse và thậm chí ảnh hưởng tới tài sản lương hưu của nhiều người dân mỹ. Điều đáng nói là quỹ đầu tư này là một công ty gia đình gần như vô danh trên Phố Wall, do tỷ phú bí ẩn Bill Hwang điều hành.
Sự sụp đổ của một "ngôi sao"
Cú sụp đổ bất ngờ của Quỹ Archegos Capital Management của Hwang hồi cuối tháng 3 vừa qua được coi là một trong những thất bại ngoạn mục nhất trong lịch sử tài chính bởi chưa từng có cá nhân nào mất nhiều tiền một cách chóng vánh như vậy.
Ở thời đỉnh cao, tài sản của Hwang đã vượt qua con số 30 tỷ USD. Nhưng có một điều đặc biệt là không giống như các "ngôi sao phố Wall" hay những người đoạt giải Nobel… Hwang hầu như không được ai biết đến ngoài những người đi nhà thờ, đồng nghiệp cũ, hay một số chủ ngân hàng.
Hwang đã trở thành "cá mập" lớn nhất - tiếng lóng trong giới tài chính chỉ người thống trị trên thị trường - mà không cần phải xuất hiện. Quỹ của ông - Archegos - chưa bao giờ xuất hiện trong các hồ sơ pháp lý với tư cách là cổ đông lớn của các công ty niêm yết.
Hwang sử dụng giao dịch hoán đổi, một loại hình phái sinh cho phép nhà đầu tư lãi hoặc lỗ từ một tài sản cơ bản mà không cần trực tiếp sở hữu chúng. Điều này đã che giấu danh tính và quy mô quỹ mà Hwang nắm giữ. Ngay cả những nhà tài trợ cho các khoản đầu tư của ông cũng không thể nhìn được bức tranh toàn cảnh của quỹ này.
Đó là lý do ngày 26/3, khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới hay tin về vụ vỡ nợ của Archegos với các khoản vay để xây dựng danh mục đầu tư trị giá 100 tỷ USD, họ mới kinh ngạc hỏi nhau: "Bill Hwang là ai?".
Bởi Hwang đang sử dụng tiền đi vay và tăng đòn bẩy tài chính lên gấp 5 lần, nên sự sụp đổ của Hwang càng khủng khiếp hơn. Cuộc bán tháo các cổ phiếu mà Hwang đang nắm giữ khiến cho giá cổ phiếu lao dốc.
Credit Suisse Group AG, một trong những ngân hàng cho vay của Hwang, mất 4,7 tỷ USD. Một số giám đốc điều hành hàng đầu, bao gồm cả người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư của ngân hàng này, đã bị buộc thôi việc. Nomura Holdings Inc cũng đối mặt với khoản lỗ khoảng 2 tỷ USD.
Đến nay, hành trình Bill Hwang từ âm thầm gây dựng khối tài sản khổng lồ cho đến thổi bay nó trong nháy mắt đã gây ra cú sốc lớn với giới tài chính. Trước khi sụp đổ, quỹ Archegos Capital Management sở hữu danh mục đầu tư lên tới 100 tỷ USD. Ủy ban Chứng khoán Mỹ xem vụ việc này là một thảm họa, khiến các quỹ đầu tư toàn cầu phải "lạnh gáy".
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của câu chuyện. Những mảnh ghép còn thiếu trong câu chuyện này đã dần được hé lộ qua những người từng làm việc với Hwang, các nhà giao dịch phố Wall thân cận với ông cũng như hàng loạt tài liệu liên quan tới quỹ từ thiện triệu USD của ông, theo Bloomberg.
"Michael Jordan của giới đầu tư châu Á."
Bill Hwang tên thật Sung Kook Hwang sinh năm 1964. Ông lớn lên trong một gia đình theo Đạo Thiên Chúa. Ở tuổi thiếu niên, gia đình Hwang chuyển đến Las Vegas - nơi cha ông làm mục sư tại nhà thờ địa phương. Khi ông di cư từ Hàn Quốc tới Mỹ đã đổi tên sang Bill để dễ hòa nhập vào xã hội mới. Lúc đó, Hwang không hề biết tiếng Anh và học ngôn ngữ này khi làm việc tại McDonald’s. Khi cha qua đời, Hwang và mẹ chuyển đến Los Angeles. Hwang theo học tại Đại học California ở Los Angeles và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Carnegie Mellon.
Năm 1996, sau thời gian ngắn làm giao dịch viên ở hai công ty chứng khoán, ông ta trở thành chuyên viên phân tích ở quỹ đầu cơ lừng danh Tiger Management (quỹ Hổ) của Julian Robertson - một nhà đầu tư nổi tiếng tài năng trong ngành.
Làm việc ở Tiger giúp Hwang có cơ hội học hỏi từ “những người giỏi nhất” như Robertson. Rất nhiều đồng nghiệp của Hwang, cũng là các “hổ non” vì là học trò của Robertson giống ông ta, về sau đã thành lập hàng loạt quỹ đầu cơ thành công như Viking Global Investors, Coatue Management hay Tiger Global Management.
Các đồng nghiệp ở Tiger cho biết, Hwang là một trong những "đệ tử" thành công nhất của Robertson và là một người trầm lặng, có chiến lược và khả năng tập trung cao độ. Robertson từng nhận định rằng Hwang là "Michael Jordan của giới đầu tư châu Á." Ngoài ra, nhà quản lý quỹ và Hwang còn ăn trưa cùng nhau ở Hamptons vài tháng trước.
Hwang từng nói rằng, ông học được một kinh nghiệm quý từ đây: Phải chấp nhận thua lỗ là một phần của cuộc chơi. Đã có lúc Tiger mất tới 2 tỉ USD do đầu tư trái chiều thị trường vào đồng yen Nhật, nhưng Robertson vẫn không mất bình tĩnh và chấp nhận lỗ thay vì cố tìm cách cứu vãn quyết định sai.
Khi Tiger đóng cửa vào năm 2001, chính Robertson đã khuyên Hwang mở quỹ đầu tư riêng và đề nghị giúp Hwang bằng cách bơm vốn ban đầu. Động lực đó khiến Hwang thành lập quỹ Tiger Asia Management.
Cho tới năm 2007, Hwuang vẫn là ngôi sao sáng tại Tiger khi mang về lợi nhuận tới 40% mỗi năm, khi ông quản lý danh mục 8 tỷ USD. Tuy nhiên, hào quang này không kéo dài lâu. Năm 2008, Tiger Asia - quỹ con của Tiger đầu tư tại châu Á - do Hwang điều hành lỗ nặng khi bán khống cổ phiếu hãng ôtô Đức Volkswagen. Một tin tốt bất ngờ đã đẩy giá cổ phiếu này tăng tới 348% chỉ trong vòng 48 giờ, "nghiền nát" những nhà đầu tư bán khống như Tiger Asia. Kết cục, Tiger Asia lỗ 23% danh mục vào năm đó, khiến hàng loạt nhà đầu tư của quỹ này rút vốn và tức giận khi một quỹ đầu cơ vốn phải tập trung vào thị trường châu Á lại đánh cược vào cổ phiếu ôtô Đức.
Đây là bài học đau thương dành cho Huwang. Do đó, sau này, ông thường săn những cổ phiếu mà nhiều nhà đầu tư khác đang bán khống. Trong năm nay, hàng triệu nhà đầu tư nghiệp dư khác cũng đã sử dụng chiến lược này và tạo ra "cơn điên" GameStop - một cổ phiếu vô danh được các nhà đầu tư đổ xô mua từ hiệu ứng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, trước khi đạt được thành công tiếp theo, Tiger Asia rơi vào một rắc rối lớn hơn. Rắc rối lần này chấm dứt những ngày làm quản lý quỹ đầu cơ của Hwang.
Năm 2012, Hwang bị cáo buộc gian lận khi sử dụng thông tin nội gián để giao dịch cổ phiếu của 2 ngân hàng Trung Quốc. Hwang và Tiger Asia phải nộp phạt 60 triệu USD, riêng Hwang bị SEC cấm hành nghề quản lý tài sản cho các quỹ đầu cơ bên ngoài.
Bị cấm làm việc cho các quỹ đầu cơ, Hwang thành lập Archegos - một quỹ tư đầu tư gia đình, hiện có khoảng 50 nhân viên.
"Hành trình của tôi thực sự bắt đầu khi tôi gặp hàng loạt rắc rối với công việc kinh doanh khoảng 5-6 năm trước", Hwang nói trong một video năm 2017. "Và tôi biết một điều rằng đây là tình huống mà tiền bạc và các mối quan hệ cũng không thể giúp được gì. Nhưng bằng cách nào đó, tôi được nhắc nhở rằng phải làm theo lời của Chúa".
Niềm tin này đã giúp Hwang xây dựng một đế chế tài chính của riêng mình với tốc độ nhanh chóng mặt khi các ngân hàng cho công ty của ông vay hàng tỷ USD.
Ban đầu Hwang định tạo ra sự khác biệt thông qua việc chỉ đầu tư vào các công ty châu Á, cụ thể là những doanh nghiệp đang làm ăn ở các thị trường nội địa tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Đồng nghiệp cũ nói Hwang luôn tập trung vốn của Tiger Asia vào chỉ vài mã cổ phiếu và thường chia đều các khoản đầu tư. Hwang cũng có thói quen giữ kín những tính toán của mình, đặc biệt luôn che giấu thông tin về các khoản đầu tư lớn với chính nhóm phân tích thị trường của ông ta.
Tuy nhiên những điều này không khiến những người góp vốn cho Tiger Asia phiền lòng, khi mà tính toán của Hwang thường mang lại trái ngọt. Nhiều vụ đầu tư thắng khiến lượng tài sản Tiger Asia nắm giữ có lúc đã tăng tới 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, mọi chuyện vỡ lở khi Archegos nhận được những cuộc gọi ký quỹ từ các ngân hàng (yêu cầu nộp thêm tiền ký quỹ) với quy mô lớn nhất lịch sử. Archegos sau đó buộc phải thanh lý toàn bộ danh mục đầu tư khổng lồ khi không thể nộp thêm tiền ký quỹ. Theo các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co., một số ngân hàng thậm chí có thể lỗ tổng cộng tới 10 tỷ USD.
Và sự cố xảy ra ở quỹ đầu cơ vô danh Archegos đã tạo ra cú sốc đủ lớn để khiến Phố Wall chao đảo, thậm chí ảnh hưởng đến tài khoản lương hưu của nhiều thường dân Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Khát khao bay xa cùng gia vị Việt
05:00, 20/06/2021
Khát vọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp tri thức
04:00, 19/06/2021
Doanh nhân Trương Sỹ Bá: Cây lúa, hạt gạo đã tạo đam mê trong tôi
03:20, 18/06/2021
Những “chiến binh” Kym Việt
03:00, 17/06/2021
Jack Ma vẫn chưa "lộ diện"
11:20, 16/06/2021
Giấc mơ cà phê của "ông bếp" Nguyễn Huỳnh Đạt
00:48, 16/06/2021
"Khẩu vị" đầu tư của ông chủ Tập đoàn SoftBank
06:00, 15/06/2021