Bình Dương tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, khơi thông các nguồn lực, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội; các đối tác thương mại quan trọng tăng trưởng chậm lại, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, giá lương thực ở mức cao, xăng dầu thường xuyên biến động… đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
>> Bình Dương: Bàn giải pháp nâng cao chỉ số PCI
UBND tỉnh sớm dự báo, nhận định tình hình, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Đồng thời bám sát thực tiễn, thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của người dân, doanh nghiệp để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phục hồi tích cực. Đến cuối năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 6%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 177,1 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỷ trọng tương ứng 66,17% - 23,83% - 2,62% - 7,38; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 6,5% so với năm trước; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; duy trì thặng dư xuất khẩu ước đạt 31,8 tỷ USD.
Năm 2023, ước thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 73.257 tỷ đồng, đạt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10% so với năm 2022; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 102,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút 75.767 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước và 1 tỷ 348 triệu USD vốn FDI. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 164.300 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.
Cùng với các chỉ tiêu kinh tế, Đề án thành phố thông minh, Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương được ICF vinh danh tiêu biểu năm 2023 (TOP 1 ICF 2023). Cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từng bước đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế. Năm 2024, Bình Dương đặt mục tiêu, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8-8,3% so với năm 2023.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, thời gian tới, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục nắm chắc tình hình, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, chủ động, kịp thời thích ứng, hành động tích cực, hiệu quả hơn. Tỉnh tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, khơi thông các nguồn lực, xử lý hiệu quả các vướng mắc; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách mới và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Trong thu hút đầu tư, Bình Dương cũng tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc gắn với kết nối với doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy tăng trưởng; Cùng với đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng, tỉnh cũng tập trung cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ và phát triển đô thị mới theo đúng quy hoạch tích hợp của tỉnh, tạo bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp, là nơi nghĩa tình và đáng sống. Song song đó, Bình Dương tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thành phố thông minh...
Có thể bạn quan tâm