Các khu công nghiệp tại Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.
Sau khi Trung Quốc mở cửa và cải cách, các khu công nghiệp đã phát triển mạnh mẽ. Đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào thành phố cảng lớn nhất của quốc gia này, Thượng Hải, và tràn vào các khu vực xung quanh.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2022 và một phần tư thương mại của quốc gia này đến từ 230 khu công nghiệp cấp Nhà nước.
Khi để mắt đến các cơ hội tại thị trường khổng lồ của Trung Quốc, các công ty đa quốc gia thường bị thu hút bởi các ưu đãi hấp dẫn của chính quyền địa phương tại các khu công nghiệp, bao gồm cả tiền thuê nhà miễn phí và giảm thuế.
Nhưng ngày nay, những ưu đãi như vậy không còn là "công thức kỳ diệu" nữa khi Bắc Kinh thắt chặt giám sát thuế và tìm cách xây dựng một thị trường quốc gia thống nhất.
Các khu công nghiệp, vốn đóng vai trò then chốt trong những tiến bộ sản xuất của Trung Quốc, đồng thời là động lực kinh tế địa phương trong nhiều năm, đã phải thay đổi cách thu hút các công ty nước ngoài khi môi trường bên ngoài đang dần trở nên kém thuận lợi hơn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Trong bối cảnh chính quyền trung ương tăng cường các biện pháp thu hút đầu tư , cùng với tâm lý bi quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Trung Quốc, những khu công nghiệp thành công nhất cũng đang phải vật lộn để thu hút các nhà đầu tư mới.
“Chúng tôi từng dựa vào các chính sách ưu đãi, sử dụng đất đai và biện pháp giảm thuế để thu hút các nhà đầu tư, nhưng do chính quyền trung ương nhấn mạnh vào việc tiết kiệm tài nguyên, nên chúng tôi đang gặp khó”, ông Vương Ái Quân, Giám đốc Ban quản lý Khu công nghiệp Giang Ninh ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, trao đổi với SCMP.
Trong kế hoạch cải cách toàn diện được đưa ra sau Hội nghị Trung ương III, Trung Quốc cam kết sẽ “điều chỉnh hoàn toàn thuế theo luật và chuẩn hóa các ưu đãi thuế”, cũng như “phát động một chiến dịch đặc biệt để phân loại các loại đất khác nhau đang được sử dụng trong các khu công nghiệp”.
Hiện tại, ông Wang cho biết thêm, các khu công nghiệp đang tiến hành một cách tiếp cận mới, bao gồm thúc đẩy các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của các công ty chính.
Theo Song Yingchang, nhà nghiên cứu về cụm kinh tế tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, khả năng thu hút đầu tư của các khu công nghiệp là rất quan trọng với Bắc Kinh trong bối cảnh suy thoái đang diễn ra.
“Việc thiếu đầu tư mới sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vốn và không thể hình thành các ngành công nghiệp lớn. Từ đó, dẫn đến việc nâng cấp các ngành công nghiệp và chuyển đổi xanh sẽ chỉ là lời nói suông”, ông cho biết.
Hiện nay, khu công nghiệp Tô Châu (SIP) đang tập trung nhiều hơn vào các công ty trong nước khi sức hấp dẫn của khu vực này đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang giảm dần.
“Chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức từ tình hình quốc tế phức tạp, căng thẳng địa chính trị và chi phí trong nước tăng cao”, bà Chen Liuying, người đứng đầu bộ phận xúc tiến đầu tư thuộc Ủy ban quản lý SIP nói với các phóng viên.
Do đó, bà Chen cho biết thêm, các khu công nghiệp tại Trung Quốc đang hướng đến các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, đặc biệt là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực có giá trị cao, thông minh và xanh.
"Các công ty nước ngoài vẫn đóng vai trò lớn trong nền kinh tế và việc thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn là nhiệm vụ quan trọng đối với SIP", ông Zhu Huan, người đứng đầu bộ phận thương mại của Ban quản lý khu công nghiệp SIP cho biết.
Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn 60% khối lượng thương mại của khu công nghiệp, hơn 70% sản lượng công nghiệp và hơn một nửa doanh thu tài chính.
Khu công nghiệp Giang Ninh ở Nam Kinh cũng đang tìm kiếm sự tăng trưởng từ các doanh nghiệp trong nước trong khi khuyến khích các công ty nước ngoài tăng cường sự tham gia.
Ni Lei, Phó trưởng phòng xúc tiến đầu tư Ban quản lý khu công nghiệp Giang Ninh cho biết: "Chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, do tình hình hiện nay."
Khu công nghiệp Hợp Phì, tỉnh An Huy cũng đang tìm kiếm những giải pháp mới để tăng sức hấp dẫn của mình.
Bà Zhang Lu, Phó giám đốc Ban quản lý khu công nghiệp Hợp Phì cho biết: "Chúng tôi không phụ thuộc vào các chính sách ưu đãi, cũng như không xây dựng các ngành công nghiệp mới, mà đang kéo dài và củng cố chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp hàng đầu của khu công nghiệp, chẳng hạn như xe điện. Khu công nghiệp Hợp Phì đang bám sát lộ trình riêng của mình".