Tencent nói họ sẽ mở văn phòng mới ở Singapore để “hỗ trợ cho mảng kinh doanh ngày càng phát triển ở thị trường Đông Nam Á và xa hơn”.
Nối gót Alibaba và ByteDance, hãng công nghệ Tencent Holdings quyết định chọn Singapore là đại bản doanh ở châu Á vì “gần nhà hơn, thân thiện hơn” sau các lệnh cấm đoán và tình trạng tẩy chay tại Mỹ và Ấn Độ.
Đẩy nhanh việc di dời
Giới lãnh đạo của mạng xã hội và phầm mềm trò chơi lớn nhất Trung Quốc đã thảo luận với chính quyền Singapore khá lâu và các căng thẳng địa chính trị khiến họ thúc đẩy nhanh kế hoạch – các nguồn tin thông thạo nói với Bloomberg. Hãng đã cân nhắc dời một phần hoạt động – bao gồm mảng phát hành trò chơi điện tử quốc tế – ra khỏi Trung Quốc.
Trong thông cáo gửi báo chí hôm qua, Tencent nói họ sẽ mở văn phòng mới ở Singapore để “hỗ trợ cho mảng kinh doanh ngày càng phát triển ở thị trường Đông Nam Á và xa hơn”. Hiện hãng này đã có văn phòng ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Hãng đang tuyển nhân viên ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm công nghệ và phát triển kinh doanh – Tencent viết trong thông cáo, nhưng không nói rõ. Tencent đang tuyển hàng chục vị trí làm việc ở Singapore, gồm thương mại xuyên biên giới, điện toán đám mây và thể thao điện tử (esport).
Sự hiện diện của Tencent ở Đông Nam Á hiện vẫn khá khiêm nhường. Đại bản doanh của hãng công nghệ giải trí đặt ở Thẩm Quyến, một phần của hoạt động kinh doanh âm nhạc và dịch vụ video streaming là ở Hồng Kông – cũng là nơi đặt văn phòng làm việc của Chủ tịch Martin Lau. Tencent nói một phần của trung tâm dữ liệu đặt ở Singapore.
Trong vài năm gần đây, Tencent tăng cường mở rộng hoạt động toàn cầu do thị trường Trung Quốc bão hòa và các luật lệ nghiêm ngặt về trò chơi điện tử làm tốc độ tăng trưởng nội địa chậm lại. Mua franchise từ hãng Activision Blizzard Inc, đầu tư để các trò chơi này thành hit trên smartphone là thành công lớn nhất của Tencent trên thị trường thế giới. Quý 4-2019, các tựa game quốc tế như Call of Duty Mobile và PUBG Mobile chiếm 23% của đế chế game trị giá 17 tỉ đô la của Tencent.
Tuy nhiên, mặc cho các nỗ lực của Tencent, căng thẳng địa chính trị vẫn cản trở bước mở rộng toàn cầu của hãng. PUBG Corp của Hàn Quốc đã rút quyền xuất bản trò chơi PUBG Mobile của hãng Trung Quốc tại Ấn Độ sau khi nước này cấm hàng trăm trò chơi và ứng dụng của Trung Quốc. Sắc lệnh ngày 6/8 của Tổng thống Donald Trump ngăn cấm các giao dịch với WeChat và hãng mẹ Tencent. Tuy vậy, Bộ thương Mỹ hiện vẫn chưa công bố rằng các trò chơi điện tử sẽ bị cấm từ ngày 20-9 hay không.
Đổ xô về Singapore giữa “giông bão”
Singapore đang được các công ty phương Tây và Trung Quốc đưa vào tầm ngắm mở văn phòng khu vực do hệ thống luật pháp và tài chính tiên tiến ở đây, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh mới ở Hồng Kông. Đảo quốc chưa đầy 6 triệu dân này giữ thái độ trung hòa trong các đối đầu Mỹ - Trung suốt hai năm qua.
Năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long cam kết vẫn là “bạn tốt” với cả Mỹ và Trung Quốc.
Các hãng đại công nghệ Trung Quốc đang hướng về Đông Nam Á bởi khu vực với 650 triệu dân yêu thích công nghệ và smartphone là trận tuyến mới đầy tiềm năng.
ByteDance – hãng mẹ của ứng dụng Tik Tok – đang triển khai kế hoạch đầu tư nhiều tỉ đô la và tạo ra hàng trăm việc làm ở Singapore trong vòng ba năm tới. ByteDance đang chờ Ngân hàng Trung ương Singapore cấp giấy phép ngân hàng, bên cạnh hai đồng hương Ant Financial Group của Alibaba và Sea Ltd thuộc Tencent.
Kế hoạch đầu tư này đến vào thời điểm “giông bão”, khi hãng cố gắng bán chi nhánh Tik Tok ở Mỹ cho Oracle trước hạn chót 15/9. ByteDance sẽ lập trung tâm dữ liệu ở Singapore nhằm phục vụ cho các nền tảng video giải trí Tik Tok và Lark. Hiện chi nhánh ByteDance Singapore có 400 nhân viên làm việc.
Trong khi đó, Alibaba đầu tư 4 tỉ đô la để giành toàn quyền kiểm soát sàn thương mại điện tử Lazada ở Singapore với hy vọng có được 300 triệu khách hàng ở khu vực Asean vào năm 2030. Tháng 5 vừa rồi, Alibaba chi khoảng 600 triệu đô la để mua 50% cổ phần từ hãng AXA Tower của Singapore.
Hôm qua, Bloomberg đưa tin: gã khổng lồ này cũng đang đàm phán để châm thêm 3 tỉ đô la vào siêu ứng dụng gọi xe Grab. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc sẽ chi một phần quỹ để mua lại một số cổ phần của Grab do Uber Technologies nắm giữ. Thương vị này có thể là một trong những khoảng đầu tư lớn nhất của Alibaba ở Đông Nam Á, sau vụ Lazada. Mối quan hệ tiềm năng với Grab cho phép Alibaba tiếp cận dữ liệu của hàng triệu người dùng ở 8 quốc gia, đội ngũ giao hàng ngày càng lớn mạnh, cũng như dịch vụ tài chính và ví điện tử.
Ở mảng công nghệ, Singapore và Đài Loan nổi lên là điểm đến được ưa chuộng của các gã công nghệ khổng lồ. Tuần rồi, Google thông báo sẽ đầu tư lớn để xây dựng trung tâm dữ liệu thứ ba ở Đài Loan, sau hai trung tâm đầu tiên ở Singapore và Chương Hóa – một địa danh ở Đài Loan. Sau khi luật an ninh mới được thực hiện ở Hồng Kông, xu hướng các hãng công nghệ, mảng tài chính ngân hàng cùng các hãng truyền thông lớn của các nước đặt văn phòng ở xứ cảng càng rõ rệt hơn trước.
Hơn hai tháng sau, đến lượt các hãng đại công nghệ Trung Quốc.
Singapore, Taipei, Tokyo và Seoul là những lựa chọn mới cho các hãng phương Tây. Riêng Singapore vẫn là lựa chọn hàng đầu của các công ty mới nổi từ Trung Quốc.