Hai “ngòi nổ” được cách ly, thêm một lần nữa tỷ giá USD/VND cho thấy khác biệt khi nằm trong những tác động bất lợi.
Chốt tuần đầu tiên tháng 6/2019, giá vàng đánh dấu chuỗi 8 phiên liên tiếp tăng mạnh. Từ khoảng 1.300 USD/ounce, trong tuần đã có những thời điểm mốc 1.350 USD/ounce đạt tới. Tính chung quãng vừa qua, giá vàng thế giới tăng gần 4% chỉ trong thời gian ngắn.
Mức biến động trên cũng truyền dẫn vào giá vàng trong nước; mức giá vàng miếng SJC chính thức vượt trên mốc 37 triệu đồng/lượng. Nhưng thị trường trong nước nhìn chung không có xáo trộn lớn.
Khoảng 5 năm về trước, mỗi lần giá vàng thế giới nổi sóng, giá vàng trong nước bắt nhịp gần như liên thông và thậm chí nhiều thời điểm cao hơn giá thế giới với mức độ lớn, tình trạng người dân xếp hàng mua vàng tái diễn.
Có thể bạn quan tâm
11:12, 27/05/2019
04:30, 25/05/2019
10:59, 22/05/2019
05:01, 22/05/2019
11:01, 19/05/2019
02:24, 19/05/2019
11:05, 16/05/2019
09:00, 16/05/2019
05:01, 11/05/2019
Nhưng nay, kể từ sau cao điểm đấu thầu vàng và quy hoạch lại thị trường trong nước quãng cuối 2013 đầu 2014, cho đến nay tình trạng đổ xô xếp hàng mua vàng đã không còn xẩy ra, ngoại trừ hàng năm có ngày vía Thần Tài theo quan niệm nhiều người.
Cũng trong khoảng thời gian đó đến nay, Việt Nam đã không còn phải chi ra 1 USD nào để nhập khẩu vàng về theo kênh chính ngạch. Hoạt động nhập lậu cũng hạn chế từ chênh lệch giá trong nước với thế giới thu hẹp, thậm chí nhiều thời điểm giá trong nước thấp hơn giá thế giới.
Theo đó, “ngòi nổ” đầu tiên đối với tỷ giá USD/VND là nguồn ngoại tệ ngốn vào để nhập vàng về và kích thích cầu ngoại tệ trên thị trường đã được cách ly, thể hiện và góp phần tạo khác biệt cho diễn biến tỷ giá hiện nay.
“Ngòi nổ” thứ hai nằm ở lãi suất USD, theo chênh lệch lãi suất USD với VND - yếu tố trực tiếp tác động đến lựa chọn lợi ích nắm giữ, đầu tư vào ngoại tệ trong dân cư và qua đó tác động đến một phần cân đối cung - cầu ngoại tệ thương mại trên thị trường.
Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở 0%/năm. Ở kênh giao dịch với dân cư, chênh lệch lãi suất VND trở nên quá lớn so với lãi suất USD, nhất là từ cuối 2018 đến nay lãi suất huy động VND tăng và giữ ở mức cao. Nếu tính cả lợi ích gia tăng tỷ giá, việc nắm giữ USD tại Việt Nam vẫn có triển vọng kém hơn nhiều lần so với VND gửi ngân hàng.
Theo đó, “ngòi nổ” từ lãi suất đối với lợi ích nắm giữ USD trong dân cư một phần cũng được cách ly tác động đến tỷ giá.
Nhưng, trên thị trường liên ngân hàng, cân đối chênh lệch lãi suất giữa USD với VND không thuận lợi như chính sách áp trần 0%/năm đối với tiền gửi dân cư. “Ngòi nổ” chênh lệch lãi suất ở đây buộc Ngân hàng Nhà nước phải liên tục can thiệp, ráo riết xoa dịu hiện nay.
Cụ thể, từ cuối tháng 5 vừa qua và cho đến cuối tuần qua, thị trường liên ngân hàng ban đầu ghi nhận lãi suất VND liên tiếp giảm nhanh và mạnh, có thời điểm lãi suất VND qua đêm rơi về 2,5%/năm và gần như ngang bằng với lãi suất USD (dẫn tới điểm hoán đổi lãi suất gần như bằng 0 và thường tác động gia tăng tỷ giá).
Ngay lập tức, trên kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước cấp tập phát hành với quy mô lớn và đột biến để hút bớt vốn VND về; lãi suất tín phiếu giữ 3%/năm được xem như một “mức sàn” để hạn chế lãi suất liên ngân hàng rơi quá sâu mà tác động đến tỷ giá.
Những phiên phát hành tín phiếu quy mô lên tới 18.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên xuất hiện. Lượng tiền VND hút về “cất kho ngắn hạn” có lúc số dư lên tới trên 80.000 tỷ đồng… Nguồn có biểu hiện dư thừa lớn như vậy một phần cũng liên quan đến lượng lớn tiền gửi ngân sách tồn đọng trong hệ thống, khi mà giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm chạp sau 5 tháng đầu năm.
Với can thiệp ráo riết trên, Ngân hàng Nhà nước cân đối và xoa dịu được “ngòi nổ” của chênh lệch lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, để tiếp tục tạo được khác biệt trong ổn định tỷ giá.
Khác biệt, vì như trên, bên cạnh yếu tố giá vàng, vừa qua tỷ giá USD/VND cũng nằm trong ảnh hưởng từ những biến động mạnh của giá USD và Nhân dân tệ trên thị trường thế giới; và song song là câu chuyện Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát, cũng như xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ thêm những diễn biến phức tạp…
Thêm nữa, nội tại, từ tháng 5 vừa qua Việt Nam trở lại nhập siêu khá mạnh. Dù trong ngắn hạn chưa khẳng định sớm về một xu hướng, cán cân tổng thể những tháng đầu năm vẫn thặng dư ở mức cao thể hiện qua lượng mua ròng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước thực hiện lớn, nhưng cho thấy một yếu tố cân đối đã không còn thuận lợi như cùng kỳ năm trước.
Nhưng, như trên, với hai “ngòi nổ” quan trọng, từng kích hoạt lớn nhiều thời điểm trước đây, nay đang được cách ly, mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện năm nay vẫn đang có những khác biệt so với giai đoạn trước.
Và, trong một triển vọng khác, cả thế giới đang nhìn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể giảm lãi suất tới đây.