Cách nào thu được 1,4 triệu tỷ đồng?

Đại Dương 06/09/2018 05:20

Báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019" vừa được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến, góp ý từ các cơ quan, bộ ngành.

Có một con số rất đáng chú ý: Sang năm 2019, Bộ KH&ĐT dự kiến tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.411.300 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với năm 2018. Liệu điều này có là khả thi?

Trước hết cần phải nhìn lại cơ cấu thu năm 2018 được Bộ Tài chính dự kiến. Theo đó, tổng thu ngân sách là 1.319.200 tỷ đồng. Trong đó thu nội địa là 1.099.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô là 35.900 tỷ đồng... Nhìn vào cơ cấu thu nói trên, điểm đặc biệt là thu từ dầu thô đã không còn chiếm ưu thế như các năm trước đây.

Có thể bạn quan tâm

  • “Phác họa” bức tranh kinh tế năm 2019

    11:07, 05/09/2018

  • Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá

    05:03, 04/09/2018

  • 5 yếu tố tác động đến tăng trưởng Việt Nam trong những tháng cuối năm

    05:15, 06/08/2018

  • Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định

    17:47, 01/08/2018

Điều này khác hẳn tình hình những năm trước. Theo đó, mỗi khi tăng trưởng có khả năng không đạt mục tiêu của Quốc hội, thì Chính phủ khai thác thêm dầu thô, than để đạt mục tiêu. Kể từ 2016 đến nay, những số liệu thống kê từ Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cho thấy: than, dầu thô không còn chiếm tỉ trọng nhiều trong tăng trưởng. Trái lại, lĩnh vực khai khoáng có lúc còn… tăng trưởng âm.

Đầu tư nước ngoài dĩ nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng. Nếu căn cứ vào các báo cáo kinh tế - xã hội từ đầu năm tới nay, và kể cả năm 2017, thì chế biến chế tạo của khu vực đầu tư nước ngoài đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Điều ấy cũng có nghĩa là năng suất lao động cũng đã tăng lên so với giai đoạn trước.

Những yếu tố này có thể sẽ là một trong những cơ sở để đoán định được rằng: mục tiêu thu 1,4 triệu tỷ trong năm 2019 mà Bộ KH&ĐT trình Chính phủ có thể đạt được. Bởi khi tăng trưởng đạt mức cao trên nền tảng bền vững, thì thu ngân sách cũng có cơ sở vững chắc hơn.

Nhiều chuyên gia ước tính chi phí không chính thức chỉ riêng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chịu lên tới 250 triệu USD vào năm 2020. Điều tra PCI 2017 cho thấy có đến 44,6% doanh nghiệp được điều tra khẳng định: cán bộ sử dụng quy định để nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Giả sử chi phí không chính thức không còn làm khổ doanh nghiệp, thì chắc chắn những chi phí ấy sẽ quay lại thúc đẩy sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ hơn. Bởi khi chi phí ngầm ấy chạy vào túi những công chức, thì cũng có nghĩa là nó chạy khỏi sản xuất, kinh doanh và không bao giờ quay trở lại ngân sách thông qua các loại thuế.

Để thu được 1,4 triệu tỷ đồng 2019 như đề xuất, chắc chắn cải cách thể chế phải được đặt lên hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách nào thu được 1,4 triệu tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO