“Sức nóng” cải cách từ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa đến các bộ ngành. Nhiều bộ, ngành đã biết vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, hướng đến sự phồn vinh của đất nước. Nhưng tất cả mới là bước đầu.
Sức nóng cải cách ấy phải luôn được giữ lửa nếu muốn Việt Nam thành “con hổ kinh tế mới” của châu Á. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh như một chìa khóa để góp phần đưa đất nước đến phồn vinh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của năm 2018 là tổ chức điều hành dự toán chi NSNN tích cực, chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng dự toán được giao và khả năng thu NSNN.
Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau. Giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định (3,7%GDP). Đặc biệt tăng cường công tác thu, tạo sự chuyển biến rơ nét trong việc quản lư thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, mở rộng cơ sở thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng
Tính đến hết năm 2017, dự trữ ngoại hối đã trên 54,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục, củng cố niềm tin quốc gia, tăng cường lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, chất lượng tín dụng đã có bước tiến mới, qua đó không chỉ đảm bảo an toàn tín dụng, mà còn tránh các tác động không lành mạnh đến các cân đối vĩ mô. Năm 2017 tín dụng chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Riêng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp chế biến tạo tăng trên 30%, tín dụng vào nông nghiệp tăng 21%. Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Lĩnh vực ngân hàng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nên chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong năm 2017 được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190 nước, tăng 3 bậc so với năm trước, đứng thứ 4 trong Asean.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
“Một bước đi lớn” trong đổi mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công gặp nhiều khó khăn, Bộ đã đổi mới cách làm, tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong việc tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tập trung tham mưu, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao quyền lựa chọn dự án, chương trình cần ưu tiên đầu tư cho các Bộ, ngành, địa phương, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết định sử dụng nguồn lực của mình, đầu tư vào đâu đảm bảo hiệu quả, tạo động lực cho phát triển.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Trong năm 2018, ngành Xây dựng sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế.
Những công cụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng sẽ nhanh chóng hoàn thiện, trình Chính phủ như Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Đặc biệt, Bộ sẽ chú trọng đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về xây dựng và phát triển đô thị, đồng thời kiểm soát tốt hơn nữa tiến trình đô thị hóa. Đối với công tác quy hoạch và bảo đảm thực hiện quy hoạch phải được nâng cao chất lượng và triển khai nghiêm túc, không phá vỡ quy hoạch xây dựng. Bộ sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng trụ sở các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Với tinh thần một Chính phủ hành động, ngành nông nghiệp trước hết thể hiện trong việc hoàn thiện thể chế và pháp luật của ngành.
Đặc biệt, năm qua cũng chứng kiến một tín hiệu đáng mừng, đã có gần 2.000 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như TH Truemilk, Vingroup, Massan... Bộ cũng xác định, để giữ chân và tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp trước hết phải tập trung cải cách hành chính để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào ngành. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của doanh nghiệp chính là vướng mắc, điểm nghẽn của ngành, của địa phương, trên cơ sở đó phối hợp chặt chẽ với các bộ và các địa phương để tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể
Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ định hướng “Đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực của xã hội, trong đó có sự tham gia của tư nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mới”.
Các nguồn lực sẽ được tập trung thu hút thông qua các hình thức hợp đồng đối tác công - tư (BOT, BT). Một số giải pháp cụ thể, được áp dụng ngay trong đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam mới được Quốc hội thông qua, bao gồm: Việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT phải thông qua đấu thầu công khai, minh bạch và đảm bảo triệt để tính cạnh tranh. Mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Với tinh thần của Chính phủ kiến tạo và phát triển, thời gian tới, Bộ sẽ sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.
Bộ sẽ tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các Trường đào tạo, rút gọn, thu gọn đầu mối theo nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại các trường trên cùng một địa bàn lãnh thổ, các đơn vị hoạt động kém hiệu quả sẽ thực hiện sáp nhập với các đơn vị mạnh hơn. Đồng thời, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các Viện nghiên cứu, Bộ cũng sẽ thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số Viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và mở rộng sang các đơn vị khác.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm hoàn thiện cơ chế khuyến khích hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất.
Đây là cơ sở để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Qua đó, lợi ích các bên nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được giải quyết hài hòa. Trong thực thi, toàn ngành sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý chặt chẽ đất đai, khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất, đất để hoang hóa, đất sử dụng sai mục đích, chống thất thoát ngân sách nhà nước từ chênh lệch giá do quy hoạch, do đầu tư hạ tầng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
Trong năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng Internet, giảm thiểu tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc hại trên Internet, mạng xã hội.
Năm qua, ngành TT&TT đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Đây là tiền đề để năm 2018, Bộ đẩy mạnh chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện
Đã đến lúc bỏ tư duy phát triển du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có, cần khuyến khích doanh nghiệp tạo được nhiều sản phẩm du lịch khác biệt hấp dẫn.
Đặc biệt, ngành du lịch cần được cơ cấu lại với trọng tâm nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch, doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực du lịch cũng như cơ cấu tổ chức và quản lý du lịch. Sang năm 2018, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017 sẽ được phổ biến, qua đó đổi mới hình thức các hoạt động xúc tiến quảng bá với những sản phẩm sinh động, ấn tượng và mang đặc trưng riêng của Việt Nam.