Theo chuyên gia đánh giá, các cơ quan báo chí xứng đáng được tạo điều kiện, hỗ trợ để vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 tương tự như các doanh nghiệp.
Nỗ lực cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, các doanh nghiệp bị đình đốn, đóng cửa và người lao động mất việc làm. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ thiết thực nhằm giúp đỡ doanh nghiệp, người lao động và người dân vượt qua khó khăn. Các hỗ trợ không chỉ bao gồm chính sách ưu đãi, giãn, hoãn nợ, nộp thuế, bảo hiểm,... mà còn bao gồm tiền mặt để khắc phục khó khăn cấp bách.
Cùng chung khó khăn đó, các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng nặng nề, lượng báo in giảm và khó phát hành trong thời gian giãn cách xã hội. Đối với báo điện tử, mặc dù có lượng người đọc lớn, nhưng truyền thông quảng cáo giảm vì doanh nghiệp khó khăn, các chương trình truyền thông đã ký trước cũng bị đình, hoãn. Điều này dẫn đến nguồn thu để vận hành hoạt động của các cơ quan báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi khối lượng công việc và chất lượng sản phẩm báo chí vẫn phải đảm bảo, thậm chí đòi hỏi cao hơn trong dịch bệnh.
Chia sẻ trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo bày tỏ, thời gian qua, tình trạng nợ nhà in, nợ lương, nợ nhuận bút đang diễn ra ở nhiều cơ quan báo chí. Tình trạng báo ra chậm, hoặc phải dồn số do thiếu kinh phí không phải là hiếm gặp. Đó là bức tranh không mấy sáng sủa của báo chí trong bối cảnh hiện nay. Trước những khó khăn đó, một số cơ quan báo chí đã phải đưa ra quyết sách “thắt hầu bao”, song, đó không phải là hướng đi bền vững để phát triển trong tương lai.
Phát biểu tại một cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định, báo chí không chỉ là kênh truyền thông mà còn hướng dẫn cách phòng, chống dịch cho người dân rất tốt. Trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, mỗi ngày báo chí đăng phát 7.000-10.000 tin, bài về phòng, chống dịch. Mỗi ngày có 20-30 triệu lượt người đọc báo chí. Lượng người đọc trên các báo điện tử gia tăng hàng chục triệu lượt/ngày. Mạng xã hội cũng có nhiều người đọc nhưng tin tức trên báo chí là nguồn tin có chứng thực, đưa tin vì lợi ích cộng đồng.
“Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cũng gặp nhiều khó khăn như nguồn thu từ quảng cáo và phát hành đều giảm đến 50% hoặc hơn con số đó. Vì vậy, Bộ cũng đề nghị Chính phủ giảm, giãn và miễn thuế cho các cơ quan báo chí. Nhằm hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp bách về tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh và tình hình khắc phục tác động tiêu cực của dịch COVID-19, cũng như tình hình phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội sau đại dịch; hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội”, Bộ trưởng nói.
Giải pháp gỡ khó cho báo chí
Nhìn lại, các cơ quan báo chí đã đóng vai trò quan trọng xuyên suốt quá trình phòng chống dịch bệnh, nhưng đến nay, báo chí vẫn chưa được “gọi tên” trong danh sách các đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ.
Trong một chia sẻ của mình, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV bày tỏ rằng, báo chí cũng cần được tạo điều kiện để có đủ khả năng trả lương, nuôi sống các nhà báo trong bối cảnh nguồn thu suy giảm mạnh như hiện nay, thông qua việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân; miễn tiền phạt chậm nộp thuế. Tương tự như các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí xứng đang được nhận những hỗ trợ, ưu đãi này.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Hà Huy Phượng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho báo chí. Theo PGS, ngoài chức năng thông tin, tư tưởng, giáo dục, giám sát và phản biện xã hội mà báo chí còn thực hiện chức năng kinh tế, dịch vụ. Ở các nước phát triển, báo chí và truyền thông được coi là một "ngành công nghiệp" hiệu quả. Vì vậy, mỗi cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đều phải cố gắng sáng tạo ra các tác phẩm, sản phẩm báo chí chất lượng cao; tạo dựng thương hiệu để thu hút các đối tác, khách hàng hợp tác, tiêu thụ sản phẩm báo chí để tăng thêm nguồn thu từ hoạt động kinh tế báo chí.
Tuy nhiên, để giảm khó cho các cơ quan báo chí trong thời điểm này, đặc biệt là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ như: Miễn giảm thuế, phí phát hành, giá cước vận chuyển; hỗ trợ kinh phí thuê nhà xưởng; trợ giá in ấn, truyền dẫn - phát sóng, đăng tải; đặt hàng mua các sản phẩm báo chí truyền thông về chính sách, công tác phòng chống dịch v.v...
“Vấn đề "cơm áo gạo tiền" được cải thiện chính là góp phần giúp báo chí đứng vững với tư cách là phương tiện thông tin thiết yếu trong bối cảnh hiện nay”, PGS.TS Hà Huy Phượng nói.
Trước những khó khăn chung của đất nước, đồng cảm với các thiệt hại của doanh nghiệp cũng như người dân, báo chí vẫn không ngừng cống hiến, duy trì hoạt động, phát huy năng lực, tâm huyết của người làm báo. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí mong muốn Chính phủ xem xét và có sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời, sau nhiều thời gian báo chí bị "quên" ở các gói hỗ trợ chung cho người dân, doanh nghiệp, để ngành báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
16:06, 12/03/2020
00:00, 28/02/2020
11:00, 15/09/2020