Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất

GIA NGUYỄN 05/06/2022 04:00

Mặc dù đánh giá cao các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp để phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, thế nhưng, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn…

>> Người mua nhà thu nhập thấp khó tiếp cận vốn?

Sau những nỗ lực của toàn xã hội và chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 mà Chính phủ đã ban hành, tình hình sản xuất kinh doanh đang dần thể hiện rõ những kết quả tích cực. Các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chính phủ được các chuyên gia, hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đánh giá đúng thời điểm và trúng mục đích.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện triển khai vẫn vướng phải nhiều hạn chế, khiến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Vẫn còn những hạn chế khiến doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất - Ảnh minh họa

Vẫn còn những hạn chế khiến doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất - Ảnh minh họa

Thực tế mới đây, không ít doanh nghiệp trông chờ vào gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ trong các năm 2022 – 2023, nên khi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN (Thông tư 03) được ban hành, họ rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau đó lại là những nỗi lo, làm thế nào để có thể tiếp cận được, bởi nếu theo quy định của các tổ chức tín dụng, một là không có nợ xấu, hai là phải có doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản bảo đảm, thì số doanh nghiệp có thể tiếp cận được chính sách này là rất ít.

Không ít các doanh nghiệp đã cho rằng, nếu không hạ chuẩn tín dụng thì những đơn vị gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 sẽ khó có cơ hội tiếp cận.

Thông tin với báo chí ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Mai Linh Hà Nội khẳng định, đối với doanh nghiệp, chính sách giảm lãi suất rất tốt, nhưng giờ này các doanh nghiệp vận tải vẫn đang điêu đứng. Hơn 2 năm dịch bệnh nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hay nhảy nhóm, chưa kể, giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận hành khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - Nguyễn Chí Thanh, thời gian hỗ trợ 2 năm là quá ngắn, đặc biệt lĩnh vực đầu tư nhà ở.

>> Đề xuất chính sách để DNNN tiếp cận vốn vay ưu tiên với các ngành đặc thù

“Để hoàn thiện được các thủ tục, ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng nhanh nhất cũng phải vài tháng, thậm chí tính bằng năm. Như vậy, doanh nghiệp chưa kịp “xoay sở” xong thủ tục về dự án và trình ngân hàng vay vốn thì chính sách đã hết hiệu lực rồi. Tôi nghĩ rằng nên gia hạn mới có thể hỗ trợ được cho doanh nghiệp”,  ông Nguyễn Chí Thanh bày tỏ.

Để chính sách đến được với doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đòi hỏi sự thông thoáng, đơn giản trong thủ tục thực hiện - Ảnh minh họa

Để chính sách đến được với doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đòi hỏi sự thông thoáng, đơn giản trong thủ tục thực hiện - Ảnh minh họa

Có thể nói, chính sách từ Chính phủ là rất tốt, song theo các doanh nghiệp, việc thực hiện ở dưới cũng cần thông thoáng hơn, tránh rơi vào tình trạng như nhiều chính sách hỗ trợ thuế đất, lãi suất trước đó, doanh nghiệp rất khó tiếp cận, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không có nhiều, trong khi đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Theo ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện... và mới đây, là Nghị định về hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá đây là chính sách rất đúng thời điểm là nguồn động viên đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Tuy nhiên, để chính sách này đến được với doanh nghiệp một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đòi hỏi sự thông thoáng, đơn giản trong thủ tục thực hiện. Như thời gian qua, nhiều chính sách đến cuộc sống vẫn còn rào cản khá lớn như chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương kèm theo nhiều điều kiện”, ông Long chia sẻ.

Cũng theo ông Long, sản xuất công nghiệp chế tạo nói chung và ở ngành cơ khí hiện nay, các doanh nghiệp cần nguồn lực lớn để đầu tư, từ con người đến vốn. Đây là ngành nghề có lợi nhuận không quá cao, thời gian đầu tư, hoàn vốn dài, nên rất cần sự ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo, thủ tục vay... làm sao thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Xoay quanh câu chuyện hỗ trợ vốn để doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp vận tải là một trong những loại hình doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn hoạt động được trong hai năm diễn ra đại dịch, các doanh nghiệp vận tải hành khách chỉ duy trì cầm chừng và gần như ngừng trệ trong các đợt giãn cách xã hội. Vì thế, mặc dù tình hình dịch đã được kiểm soát, hoạt động vận tải hành khách đã cơ bản được phục hồi nhưng doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn rất khó khăn vì sản lượng hành khách vẫn chưa tăng trưởng theo yêu cầu. Cùng với đó, giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp này càng thêm kiệt quệ.

“Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục có các hỗ trợ về thuế, phí đến hết năm nay. Cùng với đó là chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách hỗ trợ tín dụng thiết thực hơn nữa với doanh nghiệp vận tải hành khách, qua đó giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn”, ông Quyền đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Người mua nhà thu nhập thấp khó tiếp cận vốn?

    Người mua nhà thu nhập thấp khó tiếp cận vốn?

    05:15, 30/05/2022

  • Đề xuất chính sách để DNNN tiếp cận vốn vay ưu tiên với các ngành đặc thù

    Đề xuất chính sách để DNNN tiếp cận vốn vay ưu tiên với các ngành đặc thù

    14:38, 24/03/2022

  • Doanh nghiệp lo ngại khó tiếp cận vốn vay mới

    Doanh nghiệp lo ngại khó tiếp cận vốn vay mới

    03:40, 14/03/2022

  • Doanh nghiệp “bí lối” tiếp cận vốn vì tài sản đảm bảo

    Doanh nghiệp “bí lối” tiếp cận vốn vì tài sản đảm bảo

    11:30, 19/11/2021

  • Thủ tục tiếp cận vốn vay còn “bó chân” doanh nghiệp

    Thủ tục tiếp cận vốn vay còn “bó chân” doanh nghiệp

    08:30, 13/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO