Việt Nam cần tăng tốc nhanh hơn nữa trong cuộc đua ngành bán dẫn để thu hút tối đa dòng vốn đầu tư, thông qua nâng cao trình độ nhân lực, xây dựng công nghiệp hỗ trợ và đầu tư R&D.
>> Phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành bán dẫn
Đó là nhận định của ông Radomir Tomovic - Giám đốc Công ty Tư vấn Dezan Shira & Associates, chi nhánh Hà Nội, khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Vấn đề thiếu nhân lực và đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng là những rào cản đối với Việt Nam trong ngành bán dẫn. Ngoài những vấn đề đó, Việt Nam cần chú ý thêm những vấn đề gì khác, thưa ông?
Ngoài việc thiếu hụt kỹ sư có trình độ cao hay nhu cầu năng lượng, có một điểm nghẽn mà Việt Nam cần lưu ý là chi phí đầu tư cao. Ngành bán dẫn có thể cần chi phí khổng lồ để xây dựng một cơ sở sản xuất, và đây là vấn đề của mọi quốc gia, chứ không riêng gì Việt Nam. Ví dụ, cần khoảng 10 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chip cỡ 28 nanomet.
Do đó, điều quan trọng là phải thu hút nguồn vốn từ các tập đoàn toàn cầu trong ngành. Thế nhưng, thu hút họ họ đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam ngay từ bây giờ là điều không dễ dàng. Bởi vì, các nhà đầu tư cũng chịu áp lực rất lớn trong việc kiếm lợi nhuận từ khoản đầu tư đó cũng như phải đáp ứng chi phí hoạt động rất cao. Họ sẽ cần một thị trường lớn để bán hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn thiếu hệ sinh thái gắn kết để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Nếu một doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và có thể tìm thấy những thứ họ cần, như cơ sở hạ tầng, hậu cần, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương để cung ứng khi vận hành nhà máy, thì họ sẽ rất dễ dàng ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đủ các yếu tố đó.
Ngoài ra, tôi còn thấy thách thức ở sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc… Các quốc gia này đang đầu tư rất lớn vào ngành bán dẫn. Đặc biệt, nhiều quốc gia đã có nền tảng tiên tiến hơn Việt Nam và đang có bước tiến rất nhanh trong lĩnh vực này.
- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài?
Trước hết, Chính phủ Việt Nam cần sớm hành động để theo kịp các quốc gia khác trong ngành bán dẫn. Chính phủ của các quốc gia, như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc hay một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra những chiến lược đầu tư rất lớn vào sản xuất chất bán dẫn, từ 50 đến 150 tỷ USD. Đó là những biện pháp rất cụ thể gửi đi tín hiệu cho các nhà đầu tư. Do đó, Việt Nam cần đưa ra những quyết định cụ thể hơn nữa như vậy để thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
>> Các doanh nghiệp Mỹ hướng đến đầu tư bán dẫn tại Việt Nam
Bên cạnh đó, các yếu tố hậu cần đằng sau quá trình sản xuất bán dẫn cũng vô cùng quan trọng. Ví dụ như ngành này tiêu tốn rất nhiều nước và năng lượng. Vì vậy, Việt Nam cần phải đảm bảo một hệ thống hỗ trợ bền vững và hiệu quả cho việc duy trì và vận hành các cơ sở sản xuất bán dẫn.
Ngoài ra, các nhà cung cấp địa phương cần tăng cường năng lực để trở thành những nguồn cung ứng bổ sung những điều mà các công ty bán dẫn cần khi duy trì sản xuất tại Việt Nam.
- Với tiềm năng hiện tại, Việt Nam nên bắt đầu từ đâu và có các bước đi như thế nào để thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn, thưa ông?
Việt Nam có vị trí đắc địa với đường bờ biển dài, giúp vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam ra thế giới rất thuận lợi. Chi phí sản xuất rẻ là một lợi thế khác của Việt Nam, nhưng đó không phải là tất cả.
Việt Nam rõ ràng có rất nhiều tiềm năng để vươn lên trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng sẽ rất khó để nói nên làm gì trước, nên làm gì sau. Nhưng theo tôi, đầu tư vào thị trường bán dẫn trong nước là một trong những bước đi cần thiết, với mục tiêu dài hạn là tạo ra một hệ thống hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, các công ty nhỏ hơn xử lý các loại chất bán dẫn đơn giản hơn sẽ không yêu cầu nhiều về kỹ thuật hay vốn như các công ty hàng đầu. Do đó, trước hết, cần đầu tư vào những hoạt động đơn giản, hiệu quả; sau đó nghiên cứu, phát triển và đầu tư mạnh vào các loại hình sản xuất bán dẫn ngày càng phức tạp hơn.
Việt Nam hiện đã có một số hiệp hội trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng các hiệp hội này là các tổ chức phi Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam có thể hậu thuẫn thành lập một cơ quan quản lý chuyên ngành bán dẫn để có thể biết chính xác khoảng trống ở đâu, cần đào tạo bổ sung gì, hay điều hướng hoạt động sản xuất bán dẫn như thế nào?
Về giáo dục, Chính phủ có thể xây dựng những chương trình để mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm đến tư vấn, hỗ trợ phát ngành bán dẫn Việt Nam. Đặc biệt, cần tìm cách thu hút họ vào các trường đại học để giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề cụ thể liên quan đến đào đạo nhân lực ngành bán dẫn.
- Trân trọng cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
3 lợi thế giúp Nvidia thống lĩnh thị trường bán dẫn
03:30, 29/02/2024
Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành chất bán dẫn trong dài hạn
03:40, 15/02/2024
Thời của những “ông lớn” ngành bán dẫn
03:30, 14/02/2024
“Thỏi nam châm” cho ngành bán dẫn
04:30, 07/02/2024
Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?
04:30, 30/01/2024
Lực đẩy ngành bán dẫn Việt Nam
02:30, 28/01/2024