Cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP

GIA NGUYỄN 16/12/2021 04:10

Trước những khó khăn, thách thức từ thực tế của doanh nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế…

>> Hóa đơn điện tử: Bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế

Dù chỉ mới được ban hành hơn 1 năm từ ngày 19/10/2020, thế nhưng, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế 2019 đã cho thấy một số vướng mắc gây khó cho doanh nghiệp.

Cụ thể, khoản 6 Điều 8 Nghị định này quy định, doanh nghiệp tạm nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước ngày 30/10 hàng năm, theo phản ánh của các doanh nghiệp, đây là quy định được cho không phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh bởi, một số ngành như: bất động sản, thương mại, đầu tư... thường có doanh thu rơi vào cuối năm, tuy nhiên, không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý IV, do đó nếu nộp thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp.

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đang gây khó cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đang gây khó cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Đặc biệt, quy định này cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ bị phạt chậm nộp nếu ngành thuế không sửa đổi quy định.

Nêu ý kiến tại Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2021”, đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho rằng, quy định doanh nghiệp tạm nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm, trước ngày 30/10 hàng năm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, việc ước tính kết quả kinh doanh vào quý III thực sự không chính xác.

“Đối với đặc thù của UDIC, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, doanh thu và lợi nhuận thường được ghi nhận vào cuối năm. Vì vậy, thời điểm hết quý 3 phải nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ gây khó khăn cho dòng tiền của doanh nghiệp. Đồng thời, phạt tiền chậm nộp trên số ước tính là chưa hợp lý” – đại diện UDIC nêu ý kiến.

>> Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử

Không chỉ doanh nghiệp, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc yêu cầu các doanh nghiệp phải tự tính và dự báo trước doanh thu của cả năm là điều không thể. Bởi, thời điểm 3 tháng cuối năm là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm, có nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng… Nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nên nền kinh tế biến động thất thường.

Hơn nữa, quy định doanh nghiệp phải tạm nộp trước 75% số thuế thu nhập của cả năm còn được cho làm ảnh hưởng đến động lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi, 3 tháng cuối năm là thời điểm cần tập trung vốn cao độ để doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu dự báo quá thấp hoặc vì bất cứ lý do nào mà doanh nghiệp tạm nộp chưa đủ mức 75%, doanh nghiệp sẽ bị phạt chậm nộp trên phần nộp thiếu đó, tính từ 31/10 - 31/01 năm sau, ít nhất là 3 tháng hoặc tới khi doanh nghiệp nộp đủ.

Doanh nghiệp và các chuyên gia đề nghị sửa đổi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp và các chuyên gia đề nghị sửa đổi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Trước những tồn tại, Bộ Tài chính cho biết, sau khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, một số doanh nghiệp cũng đã có ý kiến về vấn đề này, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021. Theo đó, các doanh nghiệp được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I/2021 và quý II/2021.

Để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, cần phải sửa đổi khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP theo hướng, tổng số tiền tạm nộp của cả năm vẫn là tối thiểu 80% số quyết toán trong năm, nhưng số tiền thuế tạm nộp của từng quý không được thấp hơn 80%; hoặc tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thuế của năm trước đó.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thuế cần tăng cường trách nhiệm giám sát, thanh tra, xử lý nghiêm doanh nghiệp không tuân thủ quy định về việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm để có thể răn đe các doanh nghiệp khác.

Thông tin với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc sửa đổi quy định là cần thiết, bởi quy định doanh nghiệp tạm nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm sẽ không chính xác.

“Thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo mùa vụ, lúc này doanh thu tăng cao, lúc kia lại thấp, nếu không nộp được thì bị phạt nên cần thiết xem lại có mức thu, mức nộp cho hợp lý. Vì vậy, có thể xem xét áp dụng quy định ở một số ngành nghề có doanh thu ổn định”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nên lấy mốc nộp báo cáo tài chính của quý IV để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của một năm theo đúng kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế. Thông thường, báo cáo tài chính quý IV có hạn nộp là 20/01 năm sau hoặc là ngày cuối cùng của tháng 01 nếu là các tổ chức tín dụng.

“Quy định nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thực ra chỉ phù hợp với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, đều, cần phải nghiên cứu thêm để chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý ở một số lĩnh vực, ngành nghề chứ không thể áp chung như vậy”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Được biết, để tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP theo hình thức rút gọn, gửi các bộ, ngành tham gia ý kiến để trình Chính phủ ban hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử

    Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử

    05:00, 04/10/2021

  • Hóa đơn điện tử: Bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế

    Hóa đơn điện tử: Bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế

    11:02, 30/09/2021

  • Hiện đại hoá quản lý thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

    Hiện đại hoá quản lý thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

    15:28, 11/09/2021

  • Tìm lời giải cho quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử

    Tìm lời giải cho quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử

    05:30, 31/08/2021

  • Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7

    Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7

    09:10, 09/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO