Nền sản xuất hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam so với trước đây đã có nhiều tiến bộ, sản phẩm dồi dào, chất lượng và an toàn hơn.
Hàng hóa Việt đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu và có thể cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa. Có thể nói, nếu giải quyết tốt đầu ra cho quỹ hàng hóa nông sản này thì vừa đảm bảo tiêu dùng cho thị trường nội địa một cách ổn định, đồng thời có thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại đang tiếp tục thâm nhập càng nhiều vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, có một nghịch lý hiện nay là nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất nuôi trồng đánh bắt càng nhiều thì tiêu thụ lại càng khó khăn hơn bởi nhiều nguyên nhân. Điều mà Bộ Nông nghiệp đã nhận định “Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có 2 điểm yếu là thị trường tiêu thụ và chế biến”.
Sau 7 tháng đầu năm 2021, do tình hình phải giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, mặt khác sức mua tiêu dùng cũng đã giảm đi rõ rệt, 70% nhà máy chế biến nông sản thực phẩm tạm thời ngừng hoạt động, việc vận chuyển giữa các vùng miền còn gặp những khó khăn khi những “luồng xanh” chưa thật đảm bảo.
Theo thống kê sơ bộ từ nay đến cuối năm 2021, Đồng bằng Sông Cửu long và toàn miền Nam sẽ có 5,7 triệu tấn nông sản thực phẩm đến mùa thu hoạch và tiêu thụ. Chính vì vậy, việc giải quyết đầu ra cho quỹ hàng hóa khổng lồ này là một vấn đề hết sức cấp bách.
Có thể điểm qua một số tin về giá cả những hàng hóa ở thị trường phía Nam đang bị sụt giá trị chưa từng có. Đơn cử, gà công nghiệp với hàng chục triệu con giá chỉ còn 5.000 –7.000đ /kg. Một số gà giống hàng chục triệu con khả năng phải tiêu hủy bởi chưa có ai đến thu mua, trong khi giá thức ăn gia súc đã tăng 6 – 8 lần.
Thủy hải sản đánh bắt và nuôi trồng giảm giá từ 10 – 30%, một số đã phải chuyển sang làm thức ăn cho gia súc vì quá rẻ. Các loại hoa quả như thanh long, nhãn, dứa... cũng bị rớt giá rất mạnh. Thanh long có lúc chỉ còn 5.000đ/kg ở Bình Thuận với sản lượng sắp thu hoạch hàng chục nghìn tấn.
Chúng ta không thể kể hết danh mục những mặt hàng bị giảm giá và tồn đọng ở vùng sản xuất nông sản thực phẩm lớn nhất cả nước này. Trong điều kiện giá hàng hóa bị sụt giảm mạnh như vậy, một mặt người nông dân bị thua lỗ, gặp nhiều khó khăn nhưng mặt khác những người tiêu dùng ở các thành phố lớn, nhất là những nơi có dịch, giá các sản phẩm ở chợ và siêu thị lại cao một cách vô lý.
Giá bán thịt gà ở thành phố cao gấp hàng chục lần so với giá thu mua của nông dân. Tình hình xảy ra ở trên có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đó là chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy mà nguyên nhân chính là khâu vận chuyển.
Thứ hai, lưu thông hàng hóa không có kho dự trữ chiến lược. Hàng hóa làm ra được để ở các kho tạm hoặc che bạt ngoài đồng, từ đó dẫn tới hao hụt, hư hỏng, đặc biệt là bị thương lại “bắt bí” như ép giá, ép cấp.
Thứ ba, hàng hóa lúc thu hoạch rộ thì không đủ các nhà máy chế biến để tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời giảm tồn kho, dư thừa ở khâu sản xuất. Hiện nay các nhà máy của Việt Nam chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu chế biến này, số còn lại chủ yếu phục vụ cho ăn tươi hoặc xuất khẩu không qua chế biến.
Thứ tư, hệ thống phân phối. Trên thực tế, hàng nông sản thực phẩm 85% tiêu thụ ở các chợ lẻ, 15% ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trong khi đó cơ sở vật chất của chợ, nơi tiêu thụ phần lớn quỹ hàng hóa này còn rất yếu kém.
Chính vì vậy, kênh truyền thống không kham nổi và cũng không có điều kiện bảo quản để tổ chức bán ra cho người tiêu dùng. Còn siêu thị vừa đảm nhiệm lượng tiêu thụ khiêm tốn, vừa kinh doanh chủ yếu theo kiểu “ăn đong”, không có dự trữ.
Mặt khác, cánh cửa đón những mặt hàng nông sản thực phẩm còn “nửa đóng nửa mở”, có những thời điểm siêu thị còn chèn ép vô lý nhà cung ứng. Câu chuyện này là một sự thực khách quan khi mà báo chí, các chuyên gia đã lên tiếng nhiều năm nay mà chưa có “trọng tài” đứng ra chia sẻ, có lẽ đơn vị nào đó chưa thấm nhuần sự chỉ đạo của Nguyên Thủ tưởng Chính phủ “Kinh doanh ai cũng muốn có lợi nhuận, song hưởng quá mức là vô lý”.
Tất cả những vướng mắc ở trên là nguyên nhân sâu xa là chủ yếu dẫn tới tình hình giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản thực phẩm ở nước ta còn nhiều trở ngại khó khăn. Đây là bài toán mà các cấp, các ngành cần phải tập trung giải quyết sớm nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển và tổ chức lưu thông hàng hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả, phục vụ cho tiêu dùng.
Những tổ chức cá nhân có liên quan đến việc tổ chức sản xuất phân phối bán ra hàng hóa nông sản thực phẩm phải coi những sản phẩm được làm ra từ mồ hôi nước mắt của người nông dân là sản phẩm của chính gia đình mình để góp phần tiêu thụ hàng hóa có hiệu quả. Kiên quyết chống các biểu hiện cục bộ của địa phương, doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả.
Bài toán lợi ích trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối tiêu dùng phải được giải quyết một cách hài hòa. Chúng ta tin tưởng rằng, với những tư duy mới, sự chỉ đạo mới của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong thời gian ngắn nhất sẽ khắc phục được việc giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản thực phẩm ở thị trường Việt Nam, một vấn đề còn nhiều trăn trở trong những năm qua mà chưa được khắc phục một cách cơ bản.
Có thể bạn quan tâm
Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản cho khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên
20:29, 06/08/2021
CTO 8X biến start-up thành sàn thương mại nông sản điện tử hàng đầu Việt Nam
05:15, 06/08/2021
Nông sản Sóc Trăng cần hỗ trợ tiêu thụ
04:00, 05/08/2021
Nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh
11:00, 28/07/2021
Bắc Giang: Chính quyền cùng nông dân tìm giải pháp tiêu thụ nông sản
05:02, 27/07/2021
Tiền Giang: Chính quyền đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản giữa đại dịch COVID-19
04:48, 25/07/2021
TP HCM: Cấp Giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa cho hàng nông sản
05:38, 23/07/2021