Từ ngày 15/9, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP “Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo Bộ Xây dựng, qua thực tế triển khai và phản ánh của một số tổ chức, cá nhân liên quan, một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Cụ thể, quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu và vận dụng khác nhau; một số quy định còn phức tạp, cần phải được đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập kinh tế - quốc tế.
Nghị định số 100/2018/NĐ-CP được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và khắc phục một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Nghị định đã bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14; bãi bỏ 2 ngành, nghề chồng chéo với pháp luật liên quan; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa phần lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh của 12 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điểu kiện thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, nhà ở và thị trường bất động sản.
Bãi bỏ 89 điều kiện, chiếm 41,3%; đơn giản hóa 94 điều kiện, chiếm 43,7%; giữ nguyên 32 điều kiện (15%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%.
Một trong những điểm nổi bật là giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm; số lượng dự án, công trình đã thực hiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Giảm lĩnh vực, ngành, nghề phải cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực; loại bỏ sự chồng chéo giữa quy định hành nghề trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực khác (như: lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy).
Bỏ yêu cầu phải có hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; không quy định cứng số lượng tối thiểu những người trong tổ chức phải đáp ứng theo từng hạng (10 người, 30 người…) để được cấp chứng chỉ năng lực mà chỉ yêu cầu cá nhân chủ chốt có chứng chỉ hành nghề phù hợp.
Khắc phục được tình trạng can thiệp sâu vào quy mô hoạt động của tổ chức, loại bỏ sự độc quyền của một số tổ chức lớn; tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng lao động tại các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phù hợp với yêu cầu công việc và quy luật thị trường lao động.
Tăng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ năng lực từ 5 năm lên 10 năm để giảm tần suất thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức.
Hiện Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản luật. Trên cơ sở tham khảo những tiêu chuẩn và thông lệ tốt của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.